Trước 'giờ G', nhiều doanh nghiệp bất ngờ giảm sốc kế hoạch kinh doanh
Vừa kết thúc năm tài chính 2021, một số doanh nghiệp và ngân hàng liền có động thái giảm kế hoạch kinh doanh.
Với nhiều diễn biến không thuận lợi trên thị trường do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ngay sau khi năm tài chính kết thúc, một số doanh nghiệp, ngân hàng công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) vừa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh công ty mẹ do dịch bệnh và giãn cách xã hội ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty.
Cụ thể, doanh thu tập đoàn công ty mẹ giảm từ 4.291 tỷ đồng xuống còn 3.799 tỷ đồng, tức giảm 11,4%. Lợi nhuận sau thuế giảm còn 2.059 tỷ đồng từ 3.041 tỷ đồng ban đầu, tương đương giảm 33%.
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất vẫn không thay đổi. Theo đó GVR đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 26.914 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020 tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 4.564 tỷ đồng, giảm 11%.
Đáng nói, dù giá cao su đi lên trong năm qua giúp các công ty trong ngành hưởng lợi, song ông lớn ngành cao su này vẫn quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận.
Được biết, kế hoạch lợi nhuận thấp hơn do năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là với hoạt động khai thác mủ cao su - lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất do giá bán cao su đã có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức chưa được kỳ vọng. Khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.
Khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn vẫn tiếp tục kéo dài, biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực, dịch COVID-19 vẫn kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn,...
Ngày 12/1 tới đây, GVR sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 theo hình thức trực tuyến để bầu Hội đồng quản trị với 8 thành viên, ban kiểm soát gồm ba người cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) thông báo điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cả năm 2021 được điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với con số 2.150 tỷ đồng đặt ra ban đầu và giảm nhẹ 2% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, Eximbank cũng điều chỉnh giảm 6% chỉ tiêu tổng tài sản giảm 6% xuống còn 167.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) được điều chỉnh giảm nhẹ 1%, xuống 115.790 tỷ đồng. Chỉ tiêu huy động vốn được điều chỉnh giảm 6%, xuống 139.500 tỷ đồng.
Chẳng hạn CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) công bố doanh thu năm 2021 ước đạt gần 947 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng. So với năm 2020, lợi nhuận ước thực hiện này gấp 2.9 lần. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất mà VC2 đạt được trong 16 năm trở lại đây (kể từ năm 2011).
Tính riêng trong quý 4/2021, VC2 ước doanh thu gần 413 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 81 tỷ đồng tăng gần 3.5 lần so với cùng kỳ.
Năm 2021, VC2 đặt mục tiêu đạt 1,441 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 22% và 5% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, với kết quả ước tính năm 2021, VC2 đã vượt 175% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Hay tại Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) báo lãi cao nhất kể từ khi cổ phần hoá. Cụ thể, doanh thu của BSR năm 2021 ước đạt 100.694 tỷ đồng, tăng gần 74% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 6.026 tỷ đồng - cao nhất kể từ sau cổ phần hóa trong khi năm 2020 lỗ ròng gần 2.819 tỷ đồng.
Tính riêng quý 4/2021, doanh thu của BSR đạt 34.102 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng quý 4 đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 60%.