Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp bất động sản giải thể đã chạm mốc 1.000
Bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. VARS cho rằng nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so với cùng kỳ.
Về nguồn vốn nước ngoài rót vào thị trường bất động sản Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành này đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 44,8% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường bất động sản Việt Nam 1,94 tỷ USD.
Nghiên cứu của bộ phận BHS R&D về thực trạng ngành môi giới tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM cho thấy, số lượng sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số 50% còn lại, có đến 30% là hoạt động cầm chừng do không trả lương cho nhân viên bán hàng hoặc khi bán được hàng mới có lương. Như vậy, chỉ 20% có hoạt động thực tế.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) gần đây, tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện nhưng chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng.
Doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc như trái phiếu, tín dụng ngân hàng,…
VARS cho rằng số lượng bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo VARS, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.