Từ mức tăng trưởng âm, bất động sản TP.HCM đã ấm trở lại

Từ mức tăng trưởng âm cả năm 2023, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM trong nửa đầu năm 2024 đã tăng trưởng dương trở lại, quý sau cao hơn quý trước.

Từ mức tăng trưởng âm, bất động sản TP.HCM đã ấm trở lại - Ảnh 1

Theo báo cáo từ Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu của lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm 2024 ước tính đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng, thành phố thu về hơn 20.600 tỷ đồng từ lĩnh vực này.

Các khoản thu từ nhà đất cũng đạt được kết quả tích cực. Trong sáu tháng đầu năm nay, thành phố thu về gần 7.170 tỷ đồng, so với 4.650 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu năm 2024, TP.HCM đã cấp 3.396 giấy chứng nhận lần đầu, bao gồm 3.391 giấy cho cá nhân và 5 giấy cho tổ chức. Đồng thời, thành phố đã đăng ký biến động cho 178.680 giấy chứng nhận của các tổ chức và cá nhân (2.736 giấy chứng nhận cho tổ chức và 175.944 giấy chứng nhận cho cá nhân).

Năm 2023, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn về pháp lý và nguồn vốn, dẫn đến tăng trưởng âm 6,38%. Tuy nhiên, tình hình đã có dấu hiệu cải thiện trong năm 2024. Từ mức tăng 2,51% trong quý I, ngành bất động sản đã tăng trưởng 2,94% trong quý II/2024.

Kết quả này là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của chính quyền thành phố và các doanh nghiệp bất động sản trong việc giải quyết các khó khăn pháp lý và thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc.

Dù trong nửa đầu năm chưa có dự án bất động sản mới nào được Sở Xây dựng TP.HCM công bố đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Ví dụ, trong quý I/2024 có dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp Rita Võ tại đường Nguyễn Văn Cừ, Quận 5. Sang quý II/2024, các dự án như Khu chung cư tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh của Công ty cổ phần Địa ốc Khang Nam; Khu nhà ở Đông Quang tại phường Hiệp Thành, Quận 12 của Công ty cổ phần Dệt kim Đông Quang; và Khu chung cư và thương mại Metro Star tại phường Phước Long A, TP.Thủ Đức của Công ty Cổ phần Đầu tư Metro Star đã được chấp thuận.

Ngoài ra, một số dự án cũng đã bắt đầu tái khởi động sau khi được giải quyết các vướng mắc. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) báo cáo rằng có hơn 148 dự án gặp khó khăn về pháp lý. Nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của các địa phương, cùng với nỗ lực hợp tác của các chủ đầu tư, TP.HCM đã giải quyết được khó khăn cho 44 dự án trong số 148 dự án này, đạt tỷ lệ 30%.

HoREA dự báo rằng thị trường sẽ phục hồi rõ rệt từ nửa cuối năm 2024, khi các vấn đề pháp lý lớn được cơ quan nhà nước giải quyết thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Hàng trăm dự án cũng đang được gỡ khó, cùng với sự tái cấu trúc của các chủ đầu tư và điều chỉnh giá nhà, sẽ giúp thị trường bất động sản có triển vọng hồi phục.

Cẩm Tú

Theo Chất lượng và Cuộc sống