Tuyến đường 'huyết mạch' kết nối TP. HCM tới sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ được mở rộng lên 10 làn xe?
Tuyến này đang khai thác giai đoạn 1 gồm 4 làn xe cao tốc từ năm 2016 và thường xuyên ùn tắc giao thông.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe do sân bay Long Thành sắp khai thác.
Theo đó, tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đang là hướng kết nối chính của TP. HCM với sân bay Long Thành. Tuyến này đang khai thác giai đoạn 1 gồm 4 làn xe cao tốc từ năm 2016 và thường xuyên ùn tắc giao thông.
Do đó, để sớm xử lý ùn tắc giao thông cũng như đáp ứng nhu cầu lưu thông trong thời gian sắp tới khi sân bay Long Thành đưa vào vận hành khai thác, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội chỉ đạo khẩn trương đầu tư mở rộng lên 10 làn xe đoạn từ TP. HCM đến giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để đáp ứng nhu cầu khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), việc mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong yếu tố quan trọng để sân bay Long Thành đưa vào khai thác, hoạt động hiệu quả do có tới 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến TP. HCM.
Dự án cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2016 với tổng chiều dài 55km, trong đó phân đoạn TP. HCM - Long Thành là 25,92km.
Từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện tham gia trên đoạn cao tốc TP. HCM - Long Thành (Km 00 đến Km 25+920) liên tục tăng cao, dự kiến năm 2025 vượt 25% năng lực thông hành với 4 làn xe hiện hữu, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối TP. HCM với vùng Đông Nam Bộ.
Sân bay quốc tế Long Thành - Đồng Nai sẽ trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn nhất Việt Nam. Dự án này có mục tiêu thay thế sân bay Tân Sơn Nhất và trở thành cửa ngõ chính cho giao thông quốc tế, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển toàn vùng