Vay ODA làm BRT: Vì sao không hiệu quả vẫn làm?

Đã có dự án thí điểm không hiệu quả mà vấn muốn thực hiện thêm nhiều dự án như thế nữa là tư duy không khoa học.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Chính trị và Kinh tế thế giới cảnh báo, nhiều địa phương có thể rơi vào "bẫy ODA" khi vay vốn làm BRT nhưng không hiệu quả.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến dự án xe buýt nhanh BRT của Hà Nội - Ảnh: NLĐ  
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến dự án xe buýt nhanh BRT của Hà Nội - Ảnh: NLĐ  
 

Ông Sơn cho biết, tuyến buýt nhanh BRT được đầu tư thí điểm đầu tiên ở Hà Nội cũng như Việt Nam từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD. Dự án đã được bàn giao, vận hành khai thác từ tháng 1/2017, tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành thử nghiệm, dự án được đánh giá là lãng phí, không hiệu quả, không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.

Ngoài dự án BRT của Hà Nội, còn có TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng... cùng vay vốn ODA làm dự án BRT. Trong khi tại Đà Nẵng đã có quyết định tạm ngừng triển khai thí điểm dự BRT khi dự án đã hoàn thành cơ bản tới 98%  thì TP.HCM và Hà Nội vẫn có ý định triển khai thêm các tuyến BRT dù đã có bài học trước mắt là điều  khó hiểu.

Ông Sơn cho biết, ở Việt Nam có nhiều dự án được triển khai khi thiếu phản biện khoa học đầy đủ. Do đó, khi triển khai, đưa vào khai thác dự án đã không mang lại hiệu quả.

Từ phía cho vay, cũng phải thừa nhận việc cho vay ODA không còn đơn thuần chỉ là vốn hỗ trợ mà còn là chiến lược của một số nước giàu.

Chính vì coi đó là một chiến lược, nên khi muốn cho vay càng nhiều vốn ODA thì càng phải có thật nhiều dự án. Hay nói cách khác, là xây dựng ra nhu cầu sử dụng vốn ngay tại nước đó.

Đặc điểm của vốn vay ODA là lãi suất rẻ hơn so với vốn vay thương mại, và thời hạn sử dụng vốn cũng dài hơn. Tuy nhiên đi kèm với đó lại luôn có những điều kiện nhất định như: sử dụng nhà thầu thi công nước họ, nguyên vật liệu, kể cả lao động của nước họ.

Điều này đồng nghĩa với việc nước đi vay có thể được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhưng chất lượng công trình không tương xứng, tổng vốn đầu tư có thể bị đẩy lên.

Trong khi đó, lãi suất thấp nhưng vẫn được tính trên tổng số tiền đi vay, kết quả là bên vay tưởng được vay rẻ nhưng lại hóa đắt.

"Đã có dự án thí điểm được đánh giá là không hiệu quả, không phù hợp mà vẫn "cố đấm ăn xôi" muốn triển khai thêm các dự án khác là không khoa học.

Thực tế, đã có nhiều nghi án hối lộ tiền tỷ liên quan tới dự án ODA, bị điều tra. Nhất là khi mục đích triển khai dự án chưa minh bạch, đối tác cho vay lại có tính toán, động cơ thì cần phải rất thận trọng để tránh những hậu quả về sau.

Quan điểm của tôi là khi đã kết luận có sai, có không hiệu quả thì không nên làm nữa", ông Bùi Ngọc Sơn thẳng thắn.

Hạn chế, tiến tới dừng ODA

Vị chuyên gia nói thêm, khi muốn triển khai một dự án phải có nghiên cứu, đánh giá khoa học rất kỹ trên cơ sở rút kinh nghiệm, học hỏi từ các nước, cũng như các so sánh về điều kiện thực hiện tại nước khác với Việt Nam có phù hợp hay không. Chỉ khi, nghiên cứu, đánh giá, có đối chứng kỹ càng lúc đó mới tính tới việc có nên triển khai dự án hay không.

"Vay vốn ODA là tiêu trước trả sau, nếu không tính toán, sử dụng cho hiệu quả thì khó tránh thoát “bẫy” nợ nần. Khi đã trở thành con nợ của họ thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải chịu nhiều ràng buộc trong mối quan hệ chủ nợ-con nợ", ông Sơn cảnh báo.

Cùng với đó, ông Sơn cũng khuyến nghị cần phải chấm dứt dần tư duy ỉ lại, dựa dẫm mãi vào nguồn vốn ODA. Việt Nam không còn ở giai đoạn được ưu đãi vay vốn ODA với lãi suất thấp nữa, thay vào đó phải tăng vay trong nước và vay thương mại với lãi suất cao. Nếu vay vốn nhưng không hiệu quả thì gánh nặng cho nền kinh tế, cho đất nước là rất nặng nề.

"Ngay từ bây giờ cần có lộ trình từ bỏ dần ý đồ nhìn vào ODA để phát triển. Hạn chế vay và chỉ vay khi thật sự cần thiết", ông Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề cập tới câu chuyện chống tham nhũng, vị chuyên gia cho rằng tình trạng tham nhũng, xin - cho trong thực hiện các dự án đầu tư công vẫn còn tồn tại, chính tình trạng này đã dẫn tới những méo, mó lệch lạc trong quá trình triển khai, thực hiện dự án cũng như gây cản trở của sự phát triển, cần phải chống cho được.

Thái Bình

Theo Đất Việt