Vì đâu dự án Centa Park của Seaprodex Sài Gòn “mắc cạn”?
Báo cáo thường niên phát hành tháng 12/2017 của Seaprodex Sài Gòn cho biết, dự án Centa Park đã mở bán tháp D với mức giá từ 21 triệu đồng/m2 chưa bao gồm VAT, Seaprodex Sài Gòn đã nhận tiền cọc hơn 96 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, hiện dự án Centa Park vẫn là bãi đất trống.
Đã nhận hàng chục tỷ đồng tiền đặt cọc mua dự án của khách từ năm 2016
Dự án Centa Park tọa lạc 678 Âu Cơ, P. 14, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, trước đây là Chi nhánh của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, mã SSN) – Xí nghiệp Kho Vận, có diện tích đất 22.263m2 do SSN và CTCP Thương mại Dịch vụ và Xây dựng phối hợp đầu tư.
Dự án tọa lạc ngay vị trí đắc địa trung tâm quận Tân Bình, xoay quanh dự án là 4 mặt tiền đường Đồng Đen, Hồng Lạc, Âu Cơ và Bàu Cát 9 được SSN đánh giá “vị thế này đã làm nên một Centa Park độc đáo và thuận tiện”.
Báo cáo thường niên năm 2017, phát hành tháng 12/2017 của SSN cho biết, hệ số sử dụng đất của dự án 6,92 lần; mật độ xây dựng khối đế 46%, khối tháp là 26%; chiều cao tối đa 32 tầng, tổng diện tích sàn không bao gồm hầm là 165.000m2; số lượng căn hộ 1.500; tổng chi phí đầu tư 2.200 tỷ đồng. Dự án dự kiến mang lại lợi nhuận sau thuế cho SSN tối thiểu 360 tỷ đồng.
Cũng từ báo cáo trên cho biết, dự án đã mở bán tháp đầu tiên (Tháp D) với mức giá từ 21 triệu đồng/m2 (không bao gồm VAT). Năm 2018, SSN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dự án Centa Park tại số 678 Âu Cơ, Tân Bình với giải pháp là đẩy mạnh công tác bán hàng cho dự án Centa Park.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính các năm 2016, 2017 và 6 tháng 2018 có soát xét cho biết, khách hàng đã đặt cọc để mua căn hộ ở Centa Park cuối năm 2016 là 96,4 tỷ đồng; cuối 2017 số đặt cọc trên giảm xuống còn 86,67 tỷ đồng; đến cuối tháng 6/2018 số dư nói trên giảm còn 63,3 tỷ đồng.
Đồng thời trên báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, SSN ghi nhận chi phí thanh lý hợp đồng căn hộ Centa Park là 10,4 tỷ đồng cho thấy, có một lượng khách hàng mua Centa Park đã rút cọc.
Thuyết minh báo cáo tài chính các năm cho thấy, chi phí xây dựng dở dang bao gồm chi phí xây dựng nhà mẫu, tư vấn, xây dựng và khác của dự án Centa Park tại cuối năm 2016 là 22,5 tỷ đồng; năm 2017, các chi phí nói trên phát sinh thêm gần 6 tỷ đồng, nâng tổng chi phí dở dang lên hơn 28 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, SSN không phát sinh thêm chi phí xây dựng dở dang Centa Park, số dư khoản chi phí trên vẫn hơn 28 tỷ đồng.
Centa Park “mắc cạn” vì đâu?
Trước đó, trả lời báo chí về dự án chậm tiến độ, lãnh đạo đối tác của SSN – đơn vị tiếp thị, môi giới và bán hàng độc quyền dự án Centa Park tại Việt Nam cho biết, dự án Centa Park bị chậm tiến độ do ngân hàng bảo lãnh tài chính không thực hiện cam kết phát hành trái phiếu để triển khai dự án. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục. Bởi thực tế đối tác của SSN trong đầu tư dự án là Traseco đã chuyển cho SSN 500 tỷ đồng để thực hiện dự án từ năm 2016.
Tại kỳ họp thường niên năm 2018, Ban kiểm soát của SSN cho biết lợi nhuận năm 2017 chỉ đạt 30% kế hoạch đề ra nguyên nhân do SSN trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi và tiến độ triển khai dự án đang gặp khó khăn do vấn đề thủ tục pháp lý. Trong đó, đối với dự án Centa Park, SSN đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thi công phần thân công trình.
Báo cáo của Ban Tổng Giám đốc tháng 7/2018 cho biết, dự án Centa Park do vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục pháp lý nên tiến độ triển khai chậm hơn so với kế hoạch.
Vướng mắc thủ tục pháp lý dự án có thể xem là lý do quan trọng khiến dự án Centa Park vẫn là bãi đất trống sau gần 3 năm khởi động.
Được biết, năm 2011, SSN đã góp 30 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Hồng Lạc, một pháp nhân có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, được thành lập chủ yếu bởi SSN và CTCP Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ, nhằm thực hiện kinh doanh dự án “Khu phức hợp Tân Bình” tại địa chỉ 678 Âu Cơ, Q. Tân Bình, TP.HCM. Cuối năm 2013, SSN đã thanh lý hợp đồng góp vốn nói trên và tìm kiếm đối tác hợp tác mới. Trước thời điểm cuối năm 2013, SSN vẫn là công ty có 60% vốn nhà nước.
Theo Hồng Quân/Bizlive