Vietjet, Bamboo lại xin hỗ trợ như Vietnam Airlines
Vietjet, Bamboo Airways báo lãi, vẫn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay ưu đãi như Vietnam Airlines.
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không. Theo đó, một số kiến nghị được đưa ra như hoãn, giảm thuế phí, giảm lãi vay, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng.
Các hãng hàng không tư nhân xin hỗ trợ. Ảnh minh họa |
Cụ thể, với VietJet Air kiến nghị Chính phủ cho vay 4.000-5.000 tỷ đồng, kỳ hạn vay tới năm 2023, với lãi suất khoảng 4%/năm.
Với Bamboo Airways kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho hãng vay khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, có cơ chế để các ngân hàng thương mại cho hãng được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi; cho hãng được vay thêm 5.000 tỷ đồng qua hình thức tái cấp vốn với lãi suất 0%/năm.
Trước đó, Vietnam Airlines là hãng duy nhất được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi do đây là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. Lãi suất khoản vay này được tính bằng lãi suất thấp nhất Vietnam Airlines huy động được trên thị trường, phần lãi được hãng trả nhà nước bằng cổ phiếu.
Đáng nói, kiến nghị hỗ trợ được đưa ra trong bối cảnh cả hai doanh nghiệp này vẫn báo lãi. Theo đó, năm 2020, Bamboo cho biết, lợi nhuận trước thuế của hãng hàng không này ước khoảng hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục nằm trong nhóm ít ỏi các hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận năm qua.
Còn báo cáo tài chính doanh nghiệp cho thấy quý IV/2020 Công ty CP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đạt lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 995 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỷ đồng.
Liên quan tới những đề xuất xin hỗ trợ trước đó của doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Giang - nguyên Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nói thẳng không đồng tình với quan điểm phải hỗ trợ cho Vietjet, Bamboo và khẳng định: chính sách hỗ trợ cần phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên.
Mặt khác, lĩnh vực hàng không sẽ phục hồi theo du lịch, một khi dịch được kiểm soát, kinh tế hồi phục, hàng không sẽ phục hồi.
"Điều quan trọng nhất là tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất để thúc đẩy sản xuất, kinh tế trong nước phát triển. Đó mới là cách hỗ trợ tốt nhất", ông Giang nói.