Vốn FDI giải ngân tăng cao sẽ là nhân tố giúp tỷ giá ngoại hối bớt căng thẳng

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính dự báo từ nay tới cuối năm, vốn FDI sẽ tiếp tục được giải ngân tăng cao sẽ là một nhân tố có thể giúp tỷ giá VND so với các ngoại tệ bớt căng thẳng.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 1,25% mà Tổng cục thống kê vừa đưa ra là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới cao ở mức kỷ lục và giá cả nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao.

Mặc dù vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức tăng giải ngân FDI cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua, giúp tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế, giảm sức ép tăng giá ngoại tệ.

Vốn FDI giải ngân tăng cao sẽ là nhân tố giúp tỷ giá ngoại hối bớt căng thẳng.  
Vốn FDI giải ngân tăng cao sẽ là nhân tố giúp tỷ giá ngoại hối bớt căng thẳng.  

Ông Thịnh nhấn mạnh: Việc điều hành chính sách tiền tệ đã linh hoạt và chủ động hơn, lượng cung tiền vào nền kinh tế ở mức vừa phải, tỷ giá cơ bản ổn định, chỉ số giá USD giảm 0,2% bình quân 6 tháng đầu năm, VND ổn định và tăng giá so với USD và các đồng tiền khác.

Điều này là cơ sở để chỉ số lạm phát cơ bản thấp, giúp ổn định thị trường tài chính tiền tệ và giúp cho CPI tăng thấp.

Thời gian qua đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.

Trong 6 tháng, để kìm giữ tỷ giá ngoại tệ và VND, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra một khối lượng khá lớn ngoại tệ và thực hiện hút ròng về hàng trăm ngàn tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở.

Đồng thời, để đảm bảo kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ, theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã lựa chọn thời điểm thích hợp để tăng tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ hàng trăm ngàn tỷ đồng với kỳ hạn trái phiếu chính phủ phát hành bình quân năm 2022 là 16,17 năm; lãi suất phát hành bình quân hiện nay là 2,39%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu chính phủ là 9,32 năm, đảm bảo khả năng chi tiêu của NSNN và phù hợp kế hoạch vay, trả nợ.

“Khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục được giải ngân tăng cao trong năm 2022 cũng sẽ là một nhân tố có thể giúp tỷ giá VND so với các ngoại tệ bớt căng thẳng. Nhưng việc giải ngân cao cũng đòi hỏi lượng nguyên nhiên vật liệu, vật tư, lao động và các yếu tố sản xuất tăng cao, đẩy lạm phát tăng cao”, ông Thịnh cho biết.

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt.

Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm.

Ông Thịnh lưu ý, cung tiền trong thời gian qua đang tăng, tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,51%. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát.

“Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế”, ông Thịnh khuyến nghị.

Hoài Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam