Dòng vốn FDI liên tiếp chảy vào bất động sản Việt Nam

Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 tháng đầu năm 2022 của Bộ Kế hoạch Đầu tư, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tính đến 20/5/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 11,71 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53,4%, nhưng vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể:

Vốn đăng ký mới có 578 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 5,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 4,12 tỷ USD (giảm 53,4% so với cùng kỳ).

Vốn điều chỉnh có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,61 tỷ USD (tăng 45,4% so với cùng kỳ).

Góp vốn, mua cổ phần có 1.339 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 5,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,98 tỷ USD (tăng 51,6% so với cùng kỳ).

Dòng vốn FDI liên tiếp chảy vào bất động sản Việt Nam - Ảnh 1

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Dòng vốn FDI Hàn Quốc tại thị trường bất động sản Việt Nam

Hiện có 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 79,1 tỷ USD (chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với trên 68,68 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,...

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn đầu tư đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây.

Nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây đang có xu hướng chảy mạnh vào bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ quốc gia này cao thứ hai với trên 2,06 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 5 tháng năm 2022 (chiếm 19,4% số dự án mới, 33,9% số lượt điều chỉnh và 36,7% số lượt GVMCP).

Tỷ trọng đầu tư vào bất động sản tăng gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước đó. Con số này đang trên đà tăng tính từ năm 2020, đạt 13% vào cuối tháng 11 năm 2021.

Lĩnh vực hậu cần, kho vận là hai trong những bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh hay kho xưởng thông minh.

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực

Đòn bẩy chính của dòng vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam trong quý I năm nay đến từ phân khúc bất động sản công nghiệp.

Như công ty TNHH VSIP Bắc Ninh đã tăng vốn gần 941 triệu USD cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, qua đó nâng tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong nước có bước nhảy vọt.

Tại tỉnh Long An, một tập đoàn bất động sản khu công nghiệp lớn đến từ Singapore cũng đã công bố quỹ đất mới có diện tích 20,9 ha tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và 22,3 ha tại khu công nghiệp Xuyên Á với mục đích cho thuê nhà xưởng.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, nhờ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư diễn ra xuyên suốt, không bị gián đoạn trong đợt đại dịch năm ngoái, nên quá trình đầu tư vào đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc kể từ đầu năm 2022.

“Từ đầu năm đến nay, tỉnh Long An đã thu hút được 230 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm đăng ký mới và điều chỉnh vốn vào các khu công nghiệp. Đầu tư trong nước đạt hơn 7.000 tỷ đồng (khoảng 304 triệu USD).

Có rất nhiều dự án lớn, chẳng hạn như gã khổng lồ ngành đồ uống Coca-Cola đầu tư vào một nhà máy với tổng vốn hơn 136 triệu USD tại khu công nghiệp Phú An Thạnh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An”, ông Thanh chia sẻ.

Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp của công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL cho thấy giá đất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng mạn trong quý đầu tiên của năm nay, với mức tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này được cho là vì ảnh hưởng của làn sóng FDI đổ vào Việt Nam ngay khi nước ta mở cửa lại các chặng bay quốc tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Giá thuê đất công nghiệp trung bình là $ 120 một mét cho mỗi chu kỳ thuê.

Theo JLL, thị trường nhà xưởng xây sẵn đã chuyển sang quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế chọn đặt nền móng hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhưng muốn tiết kiệm thời gian, chi phí và nhanh chóng đưa doanh nghiệp vào hoạt động.

Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa hồ sơ và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là động lực quan trọng để nhà đầu tư người Hàn đẩy mạnh dòng vốn vào bất động sản trong thời gian tới.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống