Hà Tĩnh: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư điện gió

Với mặt bằng thuận lợi, nguồn năng lượng gió lớn 4 mùa, hạ tầng truyền tải khá đồng bộ, thuận lợi… Hà Tĩnh đã và đang là “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư vào dự án điện gió.

Những dự án khủng

Hà Tĩnh có 137 km bờ biển và nhiều diện tích hoang hóa chạy dọc bờ biển từ Nghi Xuân vào đến Kỳ Anh. Đây là mặt bằng lý tưởng để đầu tư, lắp đặt các nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng các tỉnh trong khu vực miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng liên tục mở cửa đón các doanh nghiệp vào đầu tư nhiều dự án năng lượng mặt trời, điện gió, các dự án bất động sản…Trong đó, Tập đoàn HBRE là doanh nghiệp tiên phong trên lĩnh vực đầu tư điện gió vào Hà Tĩnh. Theo đó, ngày 25/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã ký Quyết định số 3260/QĐ-UBND về chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh có 137km bờ biển, là một trong những điều kiện thuận lợi để đầu tư dự án điện gió. (Ảnh minh họa)  
Hà Tĩnh có 137km bờ biển, là một trong những điều kiện thuận lợi để đầu tư dự án điện gió. (Ảnh minh họa)  

Dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh tại TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, có công suất thiết kế 120MW (25 tua bin gió), tổng mức đầu tư hơn 4.687 tỷ đồng. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính 350,357 GWh/năm.

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án 18 tháng sau khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE Hồ Tá Tín cho biết, đến thời điểm này, Tập đoàn HBRE đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục cần thiết để triển khai dự án. Theo kế hoạch, chúng tôi đã triển khai khởi công dự án từ đầu năm 2021, tuy nhiên do điều kiện dịch bệnh COVID-19 nên hiện đang phải lùi lại.

Theo ông Hồ Tá Tín, Tập đoàn HBRE lựa chọn Hà Tĩnh để đầu tư không chỉ do đây là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, mà còn có cơ chế chính sách, môi trường đầu tư nhiều thuận lợi.

Dự án điện gió thứ 2 cũng đã được tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, lập dự án đó là dự án Nhà máy điện gió Kỳ Nam do Công ty Đầu tư năng lượng Thiên Long làm chủ đầu tư. Dự án đề xuất xây dựng tại địa bàn xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh với công suất dự kiến 300MW, được chia làm 2 giai đoạn (nhà máy Điện gió Kỳ Nam 1-30MW và Nhà máy Điện gió Kỳ Nam 2 – 270MW).

Dự kiến đây sẽ là một trong những dự án năng lượng tái tạo trọng điểm của tỉnh nhằm khai thác tiềm năng năng lượng gió tại khu vực biển thị xã kỳ Anh, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Và gần đây nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Thắng – một doanh nghiệp của Hà Tĩnh đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư cụm dự án điện gió tại Hà Tĩnh, với tổng mức đầu tư 13.893 tỷ đồng.

Theo đó, dự án cụm nhà máy điện gió Kỳ Anh có công suất 148,5MW được đầu tư tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án là 3.937ha, dự kiến xây dựng 33 turbine gió. Sản lượng điện sản xuất khoảng 481.229MWh/năm, doanh thu dự kiến 949 tỷ đồng/năm.

Cụm nhà máy điện gió trên biển Kỳ Ninh có công suất dự kiến 200MW được đầu tư xây dựng tại khu vực biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 8.687 tỷ đồng. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 4.416ha, xây dựng 40 turbine gió trên biển với sản lượng điện sản xuất 563.054MWh/năm, doanh thu dự kiến 1.280 tỷ đồng/năm.

Tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư

Đó là định hướng mở cửa đón tiếp các nhà đầu tư vào Hà Tĩnh. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều động thái tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong trong quá trình đầu tư.

Trước đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã có văn bản giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, tổng hợp việc chấp hành các quy định của pháp luật và nội dung liên quan trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Thắng. Đồng thời giao các sở ngành liên quan căn cứ các quy hoạch quy định pháp luật kiểm tra, xem xét tham mưu phương án xử lý và báo cáo lại UBND tỉnh.

Được biết, cùng với lĩnh vực điện gió, hiện có 4 doanh nghiệp khác cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án điện khí tại KKT Vũng Áng, gồm: Tập đoàn T&T; Liên doanh Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty CP Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát; Công ty CP Thương mại và tư vấn Tân Cơ; Tổng công ty CP Thương mại và Xây dựng.

Ưu tiên đầu tư các dự án năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Hà Tĩnh mà còn góp phần thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh góp phần thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Anh Bình

Theo Doanh nghiệp Việt Nam