Xu hướng “Nam tiến” không còn, nhà đầu tư Hà Nội đang đổ xô “săn” đất nền ven đô?
Nhiều năm trước, các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng “đánh bắt xa bờ”, vào tận các thị trường phía Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thế nhưng từ năm 2020 đến nay, thay vì những cuộc viễn chinh xa xôi, một lượng đông đảo nhà đầu tư phía Bắc tập trung vào các tỉnh vệ tinh và vùng ven thủ đô.
Xu hướng đầu tư mới
Sau giai đoạn khủng hoảng bất động sản 2008-2010, phía Nam nhanh chóng tạo sức hút khi liên tiếp sôi động với các con sóng hiện diện ở nhiều điểm nóng từ thành phố Thủ Đức, khu Nam, khu Tây TP Hồ Chí Minh và các thị trường vệ tinh Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Bên cạnh đó, phía Nam còn có lợi thế lớn trong phát triển bất động sản nghỉ dưỡng với đường bờ biển dài và đặc trưng khí hậu nóng ẩm quanh năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản phía Bắc lại bình lặng với những cơn sốt nhỏ, lẻ tẻ, ăn theo những biến động về quy hoạch, hạ tầng.
Do đó, không khó hiểu khi các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng Nam tiến để tìm cơ hội đầu tư. Rất nhiều chủ đầu tư các dự án phía Nam cũng thường xuyên Bắc tiến để tổ chức các lễ mở bán, giới thiệu sản phẩm nhằm tìm kiếm khách hàng tiềm năng ở thị trường phía Bắc.
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 với hệ lụy giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, cùng với đó là sự trỗi dậy của các thị trường giáp ranh Hà Nội và sức nóng của đất nền ven đô đã khiến xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư phía Bắc có sự thay đổi. Thay vì những cuộc “viễn chinh xa xôi”, giới đầu tư phía Bắc đã chọn những điểm đầu tư gần thủ đô
Sức hút mạnh mẽ của thị trường ven đô Hà Nội
Thực tế cho thấy thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đất nền vùng ven Hà Nội và các thị trường vệ tinh liên tục nóng sốt, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2021. Đơn cử như tại khu vực ven Hà Nội, giá đất tại Đông Anh liên tục nhảy múa với thông tin lên quy hoạch. Đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) giá rao bán là 55-70 triệu đồng/m2, trong khi giữa năm 2020, giá chào bán chỉ là 40-45 triệu đồng/m2. Cùng biên độ thời gian, đất vị trí mặt tiền tại Nguyên Khê cũng tăng từ 35-47 triệu đồng/m2 lên mức 48-64 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền khu vực Xuân Trạch, Lực Canh, Văn Thượng (Xuân Canh) thời điểm cuối năm 2020 mới chỉ có giá chào bán 28-35 triệu đồng/m2 thì đến tháng 3/2021, giá bị đẩy lên mức 51-69 triệu đồng/m2.
Hay như tại Hoài Đức cũng sốt theo thông tin lên quận. Ở Vân Canh, khu vực gần đường vành đai 3,5 giá tăng từ 50-65 triệu đồng/m2 lên mức 70-90 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng một năm. Đất tại Lai Xá, vị trí đẹp, mặt đường to cũng tăng từ 30-35 triệu đồng/m2 lên mức 40-55 triệu đồng/m2.
Tại huyện Thanh Trì, so với cùng kì năm ngoái, đất mặt đường khu vực thị trấn Văn Điển, Ngọc Hồi đã tăng từ 85-100 triệu đồng/m2 lên mức 97-110 triệu đồng/m2. Đất tại Vạn Phúc, Thượng Phúc cũng tăng từ 18-22 triệu đồng/m2 lên mức 22-27 triệu đồng/m2.
Tại các thị trường vệ tinh, đất tại Gia Thịnh (Gia Viễn) nóng sốt theo thông tin khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình, giá đất tăng từ 4-5 triệu đồng/m2 vào tháng 2/2020 lên mức 10-12 triệu đồng/m2 thời điểm tháng 3/2021. Tại Từ Sơn (Bắc Ninh), ăn theo thông tin lên thành phố, đất gần khu công nghiệp cũng tăng từ 17-20 triệu đồng/m2 lên mức 22-24 triệu đồng/m2. Đất Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng tăng từ 13-14 triệu đồng/m2 lên mức 16-17 triệu đồng/m2, đất tại Hội Hợp tăng từ 13-15 triệu đồng/m2 lên mức 16-19 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, báo cáo nghiên cứu thị trường quý I/2020 của Batdongsan.com.vn cũng nêu bật hiện trạng này. Theo báo cáo, mức độ quan tâm đến bất động sản các tỉnh xung quanh Hà Nội tăng mạnh trong quý vừa qua. Trong phạm vi bán kính cách Hà Nội 50km, các tỉnh thành vệ tinh như Thái Nguyên tăng 50%, Bắc Giang tăng 37%, Bắc Ninh 28%, Hòa Bình 35%, Hải Dương 19%. Ngoài ra, khu vực vùng ven quanh bán kính 20km của Hà Nội cũng chứng kiến mức độ quan tâm tăng đáng kể khi Đông Anh (Hà Nội) tăng 36%, Từ Sơn (Bắc Ninh) tăng 67%, Gia Lâm (Hà Nội) tăng 18%, Ba Vì (Hà Nội) tăng 33%, Quốc Oai (Hà Nội) tăng 32%, Văn Giang (Hưng Yên) tăng 13%, Thanh Trì (Hà Nội) tăng 8%, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng 4%.
Một số chuyên gia cho rằng, những thông tin quy hoạch được đưa ra trong quý I/2021 trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường đang chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản nóng sốt, gần tái hiện đỉnh quan tâm của năm 2006 – thời điểm thị trường cũng đón nhiều thông tin quy hoạch như quy hoạch không gian Hà Nội, tầm nhìn 2020,…