Xu hướng tăng điểm được duy trì sau lễ, VN-Index chạm tầm cao mới của năm
VN-Index tiếp tục ghi nhận tuần phục hồi tăng điểm tích cực và chỉ chững lại khi tiếp cận vùng đỉnh cũ quanh 1.245 điểm.
Trở lại sau kỳ nghỉ lễ với tâm lý sẵn sàng, nhà đầu tư đã liên tiếp mua vào giúp VN-Index tăng điểm liên tiếp 2 phiên đầu tuần. Diễn biến điều chỉnh chỉ xuất hiện khi chỉ số chạm vùng 1.255 vào phiên ngày 7/9, cũng thiết lập mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên sau đó áp lực chốt lãi đã kéo chỉ số từ mốc 1.255 về chốt tuần tại 1.241,48.
Về diễn biến cụ thể, trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lẽ, VN-Index tiếp tục ghi nhận sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, nhóm cổ phiếu phân đạm, dầu khí là 2 nhóm thu hút được lực cầu tích cực nhất với mức tăng lần lượt là 5,4% và 4,2%.
Thêm vào đó, việc tăng điểm tích cực đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 cũng đã tạo tiền đề tích cực để dẫn dắt thị trường tiếp tục nối dài nhịp tăng điểm và tiếp cận lại khu vực đỉnh cũ quanh 1.245.
Đồ thị kỹ thuật VN-Index (chart ngày). (Nguồn: FireAnt) |
Tuy thị trường vẫn duy trì tốt sự phân hóa nhưng tâm lý thận trọng cũng như áp lực chốt lời tại vùng đỉnh cũ đã khiến cho VN-Index có phần hụt hơi và chưa thể có bứt phá về mặt chỉ số.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần dẫn đầu là GAS và HPG với mức tăng lần lượt 3,7% và 4,2% đã cùng đóng góp 1,7 điểm vào mức tăng của VN-Index. VPB xếp thứ 3 với mức tăng 4,1% giúp chỉ số tăng 1,4 điểm. Trong khi đó 3 cổ phiếu họ Vin là VIC, VHM và VRE đã dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index với mức điểm số lần lượt là -2,9 điểm, -0,8 điểm và -0,4 điểm.
Trong phiên cuối tuần, khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại về cuối phiên với thanh khoản 56 tỷ đồng, tập trung mua VPB, VIX, GEX. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1241,48 tăng 17,43 điểm, tương đương với 1,42% so với tuần trước.
Tiếp tục bán ròng hơn 1.230 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần, trong đó nhiều khả năng áp lực bán ròng lớn đến từ các quỹ mở là ETF Vn-Diamond và Fubon. Trong tuần xuất hiện giao dịch mua vào mạnh cổ phiếu VPB với giá trị trên 800 tỷ đồng đã giúp làm giảm lại giá trị bán ròng của khối này.
Chiều bán ròng, HPG và ETF VN-Diamond (MCK: FUEVFVND) đã dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị lần lượt 499 tỷ đồng và 423 tỷ đồng. Tăng liên tiếp 6 phiên và mới chỉ điều chỉnh giảm nhẹ trong 2 phiên gần nhất thể hiện xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế.
Vùng 1.255 hiện là kháng cự quan trọng của chỉ số và với độ dốc của xu hướng hiện tại, MAS VN cho rằng VN-Index cần có nhịp tích lũy trong tuần sau trước khi vượt kháng cự này. Mốc hỗ trợ ngắn hạn đang là vùng 1.220 - 1.225.
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần hình thành nến dạng Gravestone Doji cho thấy áp lực bán vẫn tiếp tục xuất hiện tại vùng đỉnh cũ. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đều đang hướng xuống cùng với việc suy yếu của DI+ cho thấy thị trường sẽ có những nhịp rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ở khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang có diễn biến tốt nằm trên dải mây ichimoku xanh và 2 chỉ báo MACD và RSI nêu trên vẫn chưa có dấu hiệu tạo đỉnh nên xu hướng chính của thị trường vẫn là đi lên.
Các chuyên gia phân tích của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn có thể bán lướt sóng và tận dụng những nhịp rung lắc để mua lại đối với cổ phiếu thuộc nhóm ngành như chứng khoán, điện. Đối với chiến lược giao dịch dài hạn, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng và có thể cân nhắc gia tăng nếu cổ phiếu cho tín hiệu kiểm tra lại thành công các vùng hỗ trợ./.