Xuất khẩu sang Anh: Doanh nghiệp Việt phải làm gì khi phát sinh tranh chấp thương mại?

Khi Việt Nam tham gia Hiệp định UKFTA, nhiều hợp đồng giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với đối tác được ký kết, song cũng không tránh khỏi những phát sinh tranh chấp thương mại. Không ít DN lúng túng, ở thế yếu và phải chịu thiệt thòi do không nắm được vấn đề pháp lý khi xảy ra tranh chấp.

Những lưu ý về cam kết thuế quan

Tại Hội thảo trực tuyến "Thách thức, cơ hội và các lưu ý giải quyết tranh chấp khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Vương quốc Anh và Bắc Ai-len thông qua Hiệp định UKVFTA" chiều ngày 23/9, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKFTA) là cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường Anh và Bắc Ai-len vốn còn nhiều dư địa để khai thác.

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 5,64 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh 4,95 tỉ USD, đạt thặng dư thương mại là 4,27 tỉ USD. Anh tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức và Hà Lan.

Nửa đầu năm 2021, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Anh trong nửa đầu năm nay đạt 2,88 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng xuất sang Anh đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.

"Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tín hiệu lạc quan này càng có ý nghĩa khi UKFTA có hiệu lực và hứa hẹn tiếp tục tạo ra nhiều động lực mới trong hợp tác kinh tế - thương mại thời gian tới", ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Đưa ra những lưu ý về cam kết thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bà Nguyễn Sơn Trà - Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại - Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh, dù UKFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1/5/2021 nhưng hiệp định này đã được áp dụng tạm thời ngay từ ngày 1/1/2021 với việc tiếp tục thực thi các cam kết đã và đang được thực thi trong EVFTA, trừ những nội dung được điều chỉnh hay thay đổi.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Theo đó, những cam kết chính của UKFTA về thương mại hàng hóa bao gồm lộ trình thực thi cắt giảm thuế quan. Cụ thể, trong vòng 6 năm, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với 99,2% số dòng thuế và tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Cũng như EU trước đây trong EVFTA, trong UKFTA, Anh cam kết dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan nhất định đối với 14 mặt hàng. Tuy nhiên, lượng hạn ngạch mỗi năm đối với mỗi mặt hàng, Anh có những thay đổi nhất định tương ứng với tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương trong thời gian qua.

Một cam kết nữa cũng liên quan đến thuế quan và xuất nhập khẩu hàng hóa hai bên là cam kết về quy tắc xuất xứ. UKFTA áp dụng quy tắc cộng gộp xuất xứ mở rộng với hàng hóa EU. Hai bên cũng cam kết rà soát thực thi vào năm thứ 3 để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp về nguyên tắc cộng gộp.

Hai vấn đề pháp lý doanh nghiệp cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp

Đề cập đến các quy định về pháp lý và giải quyết tranh chấp khi xuất khẩu theo Hiệp định UKVFTA, bà Hoàng Thị Hải Hà - Trưởng phòng Giám sát quốc tế (Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương) nhấn mạnh, những vấn đề pháp lý về ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa DN Việt Nam và đối tác Anh là điều các DN cần thực sự lưu tâm.

Theo bà Hà, khi Việt Nam mở cửa, nhiều hợp đồng giữa DN Việt Nam với đối tác được ký kết và không tránh khỏi tranh chấp hợp đồng. Thực tế, không ít DN lúng túng, ở thế yếu và phải chịu thiệt thòi do không nắm được vấn đề pháp lý khi phát sinh tranh chấp với đối tác nước ngoài.

Bà Hà cho rằng, có 2 vấn đề pháp lý DN cần lưu ý, đó là lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng và lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của DN trong hợp đồng xuất khẩu với đối tác quốc tế.

"Khi giao kết hợp đồng với đối tác từ Anh, Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG) không tự động áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa do Anh chưa phải là thành viên Công ước. Khi đàm phán hợp đồng, DN Việt nên đề xuất chọn Công ước Viên là luật áp dụng cho hợp đồng, thay vì luật của Anh hay của 1 nước thứ ba để tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, bà Hà khuyến nghị.

Trong trường hợp DN không đàm phán được để chọn CISG là luật áp dụng cho hợp đồng, bà Hà khuyên DN nên tham khảo các quy định mẫu của CISG để đưa vào các điều khoản của hợp đồng. Ngoài ra, thỏa thuận trọng tài cũng là vấn đề pháp lý quan trọng khi ký kết hợp đồng mà DN cần lưu tâm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay, với tranh chấp thương mại, DN Việt Nam cần ghi nhớ Anh là một trong những cái nôi của nhiều bộ luật, nhiều nước tham khảo luật của Anh.

"Nếu tranh chấp thương mại xảy ra, tất nhiên đối tác sẽ đề nghị sẽ áp dụng luật Anh. Điều này khiến DN Việt Nam không thoải mái và không yên tâm. Lời khuyên của tôi với DN, đặc biệt là những DN mới chưa có kinh nghiệm làm ăn với Anh, là cần có kế hoạch xây dựng uy tín để phát triển quan hệ đối tác", ông Cường chia sẻ.

Theo khuyến nghị của ông Cường, nếu DN đã có sản phẩm tốt nhưng chưa xuất được sang Anh thì phải nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm nhằm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng tại các hội chợ. Trong bối cảnh đại dịch, các sự kiện trực tiếp bị hủy hoặc hoãn, DN tập trung vào các sự kiện online để giới thiệu sản phẩm. Thêm vào đó, DN cần làm chủ được công nghệ để hoạt động giao dịch trực tuyến diễn ra suôn sẻ, trình bày bài tiếng Anh phải chuyên nghiệp để tạo hứng thú cho đối tác.

Minh Thu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam