Hỗ trợ lãi suất 3-4%/năm cho doanh nghiệp cần quy chế đặc biệt, không trừ vào thuế

Đây là ý kiến của các chuyên gia và mong muốn của doanh nghiệp (DN) trước thông báo của Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng

Hỗ trợ lãi suất 3-4%/năm cho doanh nghiệp cần quy chế đặc biệt, không trừ vào thuế - Ảnh 1

Thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng (tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng) "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, DN vừa được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đưa ra tại buổi Đối thoại "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn đến phải đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Vneconomy tổ chức đang thu hút sự quan tâm sâu của giới chuyên gia và cộng đồng DN.

Gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tiếp tục thể hiện sự nỗ lực và quan tâm, chia sẻ với DN và người dân từ phía Ngân hàng Nhà nước trước dịch COVID-19 đang làm suy giảm nghiêm trọng nền kinh tế, cộng đồng DN khó trụ vững.

Tuy nhiên, để DN và người dân tiếp cận được gói vay với lãi suất dự kiến trong khoảng từ 3 - 4%/năm, rất cần khuôn khổ pháp lý phù hợp và thích ứng.

Gói hỗ trợ phải được mở rộng tới DN "lợi nhuận âm" và không có tài sản đảm bảo

Khi thông báo gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Tuấn Anh khẳng định ngân hàng không hề siết chặt mà còn mong muốn DN được thuận lợi để ngân hàng còn có dư địa tín dụng. Mục tiêu tín dụng năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho DN.

Nhưng thực tế lại cho thấy, dịch bệnh COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua đã đẩy rất nhiều DN, cả quy mô lớn lẫn quy mô nhỏ, nhà nước lẫn tư nhân, trong nước cũng như ngoài nước, rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền, khó tiếp tục trụ vững nếu dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.

Trong một cuộc khảo sát với 21.500 DN, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tháng 8 vừa qua, có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1 - 3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.

Trong khi sức chịu đựng của DN là có hạn và hiện đã tới hạn thì những giải pháp hỗ trợ vừa qua tính cấp bách không cao, mà chưa giải quyết được khó khăn trước mắt của hầu hết DN là cạn kiệt dòng tiền.

Bởi vậy, gói hỗ trợ lãi suất 3.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước cần phải có giá trị thực thi, giúp nhiều DN có thể tiếp cận được.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh khuyến nghị: Nên ủng hộ gói hỗ trợ lãi suất, nhưng cách làm phải thông minh, phải làm 2 cách cùng lúc.

Trong đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung cho tất cả, mặt bằng lãi suất chỉ cần 1%. Cùng với gói này nữa khoảng 2-3%. Tạo ra xung lực tổng cộng 4%.

“Phải có những biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Trung ương cùng với biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với DN. Pha trộn gói hỗ trợ lãi suất này với gói giãn hoãn của ngân hàng nhà nước đang thực hiện cần phải có những chế độ hạch toán, kế toán rõ ràng, minh bạch”, ông Nghĩa nói.

Với mong muốn cộng đồng tiếp cận dễ hơn với gói hỗ trợ lãi suất, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng nếu chính sách giảm lãi suất cho vay này được đưa vào thực tế cũng chỉ hỗ trợ được 1 phần cho những DN đã có hoạt động tín dụng tốt với ngân hàng, tức là họ đã tiếp cận được tín dụng với ngân hàng, nay sẽ được tiếp cận với lãi suất thấp hơn, giảm chi phí lãi suất cho DN.

Theo ông Nam, mong muốn của cộng đồng DN để chính sách về tín dụng được phát huy hết những tác dụng, thì ngân hàng cần tính toán làm sao để có thể cho được nhiều DN có thể tiếp cận tín dụng hơn trên cơ sở đẩy trọng số về phương án kinh doanh khả thi của DN lên cao hơn tài sản thế chấp. Chỉ khi nào gỡ được điều đó thì nhiều DN mới có thể tiếp cận tín dụng hơn, từ đó, mới phát huy được hết những ý nghĩa của 1 chính sách tín dụng cũng như phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng.

Phó Chủ tịch Thường trực VINASME bày tỏ: Theo quy định, ngân hàng được phép cho DN tiếp cận nguồn vốn với tài sản đảm bảo dưới hình thức tín chấp, về mặt khung pháp lý đã có nhưng trên thực tế, hiện ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay, tỷ lệ DN được vay tín chấp rất thấp, đặc biệt đối với các khoản vay mới. Giảm lãi suất chỉ dành cho đối tượng đã đủ các tiêu chuẩn để vay nhưng vấn đề của DN cần nhất là phải được vay. Do đó, cộng đồng DN mong muốn ngân hàng mở rộng hơn nữa đối tượng vay để các DN được tiếp cận nhiều hơn với tín dụng chính thống từ phía các ngân hàng.

Không trừ vào thuế DN và không làm méo thị trường vốn

Đánh giá về gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng quy mô này quá nhỏ để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét. Theo ông, quy mô hỗ trợ phải đủ rộng và đủ lớn, "đừng như muối bỏ biển".

Ông Nghĩa khuyến nghị: Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ DN thời điểm này. Ngoài ra, cũng cần tính toán kéo dài gói hỗ trợ này trong vòng bao lâu, để sau khi kết thúc thì "giải tán" quy chế này. Ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán sòng phẳng, thay vì trừ vào thuế DN.

Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính – kinh tế, các chính sách về tiền tệ hỗ trợ nên theo cơ chế thị trường vì chính sách về tiền tệ thể hiện tính nhất quán của thị trường vốn, thị trường vốn nên giảm sự can thiệp của Nhà nước ở tầm vĩ mô, Nhà nước chỉ nên kiểm soát về an toàn rủi ro.

Nếu như Quốc hội và Chính phủ can thiệp vào lãi suất cho vay mà không phải điều hành qua cơ chế tự nhiên theo quy luật kinh tế thị trường của Ngân hàng Nhà nước thông qua lãi suất tái chiết khấu, điều khiển thị trường mở mà lại dùng bù lãi suất từ Chính phủ để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN thì điều đó là không phù hợp với việc phát triển thị trường vốn.

Theo ông Hiển, trợ giúp DN thoát khỏi khó khăn do COVID-19 cần chính sách tạo điều kiện thông thương hàng hóa, nhanh chóng đầu tư vào các hạ tầng giao thông để phục vụ sản xuất…

Đặc biệt lưu ý về cách thiết kế gói hỗ trợ lãi suất một cách cân nhắc thận trọng, tránh những hậu quả về vĩ mô và vi mô không đáng có, TS Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị cần phải giới hạn 4 “chốt”.

“Chốt” thứ nhất, giữ mức tăng trưởng tín dụng hợp lý nhưng mức bao nhiêu là chấp nhận được, không đẩy lên quá cao, ngân hàng trung ương phải tính toán.

“Chốt” thứ hai, không đẩy lạm phát đẩy lên quá cao, vậy mức nào có thể chấp nhận được? Chẳng hạn, hàng năm, Quốc hội “kìm cương” lạm phát dưới 4%. Vậy nếu thực hiện gói này, có thể chấp nhận mức 5% hay không, phải rất cẩn trọng.

“Chốt” thứ ba, lo ngại về mặt vĩ mô, là tỷ giá hối đoái. Nếu thực hiện gói này, lãi suất giảm, tỷ giá hối đoái sẽ tăng.

“Chốt” thứ tư, phải chấp nhận nợ xấu ở mức độ nào khi thực hiện gói này, làm thế nào để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng là điều cần tính đến.

Từ kinh nghiệm của thế giới và bài học xương máu năm 2009, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như “muối bỏ biển”. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ DN thời điểm này. Diễn biến dịch COVID-19 có thể kéo dài hết năm 2022, chưa lường trước những nguy hiểm của các biến thể mới nên gói hỗ trợ đủ dài, tạo sức bật cho các DN phục hồi nhanh.

Hà Anh

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam