Ảnh hưởng từ công nợ với doanh nghiệp BĐS, thép SMC lỗ nặng trong năm 2022
Ngành thép gặp nhiều khó khăn trước biến động tiêu cực của thị trường, CTCT Đầu tư Thương mại SMC báo lỗ nặng trong năm 2022 chủ yếu do công ty kinh doanh dưới giá vốn và tồn đọng công nợ khó đòi với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Kết thúc năm tài chính 2022, SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 23.187 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù doanh thu tăng cao nhưng lợi nhuận lại sụt giảm và ghi nhận mức lỗ kỷ lục từ trước đến nay.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất 2022 đã kiểm toán cho thấy, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ tới 651,8 tỷ đồng sau thuế, lỗ gần 591 tỷ đồng trước thuế. Điều này hoàn toàn tương phản với năm bùng nổ trước đó với mức lãi kỷ lục 901 tỷ đồng sau thuế.
Năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC đặt mục tiêu doanh thu là 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 7% và 67% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty đã không hoàn thành kế hoạch và cách rất xa kế hoạch lãi 300 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của SMC đạt 8.329 tỷ đồng, giảm 671 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trong đó tồn kho chiếm 1.663 tỷ đồng, khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho tới 98,7 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC đang phát sinh thêm công nợ của một tập đoàn bất động sản khoảng 1.000 tỷ đồng, gây rủi ro trích lập dự phòng và ảnh hưởng lên sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2022, SMC có nhiều khoản phải thu của khách hàng là các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Bình đang nợ 155,3 tỷ đồng, nhóm công ty của Novaland như Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận nợ 440,8 tỷ đồng, Công ty TNHH Đà Lạt Valley còn nợ 169,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn một số doanh nghiệp bất động sản khác như Công ty TNHH The Forest City còn nợ 131,5 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến ngành thép nói chung và SMC nói riêng là tình hình khó khăn của thị trường bất động sản. Trong khi, kênh trái phiếu doanh nghiệp được nhận định chưa thể hồi phục trong ngắn hạn, nhà đầu tư trái phiếu vẫn đang mất niềm tin. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới dòng tiền và khả năng triển khai của các dự án bất động sản, từ đó ảnh hưởng tới doanh nghiệp phụ trợ như nhóm thép khi có rủi ro phát sinh công nợ khó đòi, phải trích lập nợ xấu trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022, SMC cũng tồn tại các khoản nợ xấu khó đòi với các công ty xây dựng. Các khaonr nợ xấu này chưa được giải quyết từ 6 tháng đến trên 3 năm với tổng giá trị nợ xấu hơn 98 tỷ đồng.
Cụ thể, SMC còn hơn 4,5 tỷ đồng khoản phải thu khó đói của Công ty TNHH MTV VLXD CII E&C, hơn 11,6 tỷ đồng nợ xấu của Công ty CP BETON 6; 22,5 tỷ đồng nợ xấu của Công ty TNHH Xây dựng Trung Quốc; 26,8 tỷ đồng nợ khó đòi của Công ty CP Xây dựng Trung Nam cùng với các khoản nợ xấu khác.
Tại ĐHĐCĐ năm 2023, ban lãnh đạo SMC cho biết “sẽ nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm”, đồng thời đề xuất HĐQT, ban kiểm soát và ban điều hành không nhận thù lao trong năm 2022 và 2023.
Trong bối cảnh khó khăn, SMC đã chủ động giảm đáng kể lượng hàng tồn kho từ quý 3/2022. Cuối năm 2022, SMC còn nắm giữ gần 1.663 tỷ đồng ở hàng tồn kho, tức giảm một nửa so với cuối quý 2/2022. Vòng quay hàng tồn kho cũng giảm mạnh từ 47 ngày xuống còn 25 ngày.
Trong năm 2023, SMC đặt mục tiêu doanh thu 20.350 tỷ đồng, giảm 12.2% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 150 tỷ đồng.
Cụng tại ĐHĐCĐ 2023, SMC cho biết, trong năm 2022, SMC đã đầu tư mới và hoàn thành xây dựng cơ bản nhà máy Thiết Bị Tự Động SMC Phú Mỹ trên diện tích đất 4.1ha tại KCN Phú Mỹ 1, BRVT với tổng vốn đầu tư là 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty cũng đầu tư mới 8 máy cán ống với tổng giá trị gần 55 tỷ đồng, công suất tăng thêm gần 50,000 tấn/năm, đưa tổng công suất sản xuất ống thép của nhà máy Sendo lên 250,000 tấn/năm. Dự kiến hoàn thiện và chính thức đưa vào hoạt động từ quý 2/2023.
Bên cạnh đó, SMC còn đầu tư mở rộng 28 tỷ đồng với nhà máy SMC Đà Nẵng. Dự án mở rộng đang thực hiện hoàn tất các công trình phụ trợ và dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trong quý 2/2023.