Hé lộ lợi nhuận doanh nghiệp thép quý 4: TIS thoát lỗ, SMC tụt dốc và VCA lỗ đậm
Hiện chỉ có vài doanh nghiệp thép công bố báo cáo tài chính quý 4/2021, song bức tranh lợi nhuận đã có sự trái chiều đáng kể.
Lợi nhuận tại SMC tụt dốc thảm hại, VCA lỗ đậm chưa từng có
Mới đây, CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (mã: VCA) bất ngờ báo lỗ hơn 6 tỷ đồng trong quý 4/2021, ghi nhận lần đầu tiên thua lỗ kể từ quý 1/2015.
Cụ thể, trong 4/2021 doanh thu tại VCA đạt 704 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng nhanh hơn (23%) khiến lãi gộp đạt 18 tỷ đổng, giảm 29% so với cùng kỳ 2020.
Trong quý này, biên lãi gộp VCA sụt giảm đáng kể từ mức 4,3% cùng kỳ xuống chỉ còn 2,5%. Do đó, doanh nghiệp thua lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lãi gần 6 tỷ.
Tuy nhiên, nhờ kết quả khả quan các quý đầu năm nên VCA vẫn báo lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 45 tỷ đồng và 36 tỷ đồng trong năm 2021, tăng trưởng 71% so với năm trước.
Vào tháng 3/2021, VCA chính thức niêm yết trên sàn HOSE. Sau đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu có lãi trước thuế năm 2021 là 20 tỷ đồng. Với kết quả nêu trên, VCA đã thực hiện gấp 2,3 lần chỉ tiêu đề ra.
Gần đây nhất, ông Lê Văn Cam đã xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT để nghỉ hưu. Ban lãnh đạo VCA quyết định để ông Nguyễn Văn Thoan phụ trách HĐQT từ 20/12/2021 đến khi bầu Chủ tịch mới tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới.
Tương tự, CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021.
Cụ thể, trong quý này doanh thu thuần tại SMC đạt 6.149 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Do giá vốn hàng bán tăng 45% lên 6.000 tỷ đồng và chi phí lãi vay tăng 31% lên 54 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận sau thế quý 4/2021 của SMC giảm 79% xuống còn 34 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết giá cả quý 4 có giảm hơn so với quý trước đó song vẫn cao hơn so với quý 4/2020. Tuy nhiên một số nguyên liệu thép dẹt (mỏng) đang phải dự phòng tồn kho nên làm giảm hiệu quả hoạt động.
Điểm sáng hiếm hoi trong tình hình kinh doanh của hãng thương mại thép này là sự sụt giảm mạnh của chi phí quản lý doanh nghiệp.
Cụ thể, khoản chi phí này giảm từ 112 tỷ đồng (quý 4/2020) về còn 18 tỷ đồng, tức giảm 84%. Phía SMC cho biết nguyên nhân chủ yếu là do Công ty hoàn nhập khoản phải thu khó đòi trong kỳ.
Xét cả năm 2021, nhờ kinh doanh khả quan trong 2 quý đầu năm nên SMC vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.312 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 903 tỷ đồng, tăng tương tăng ứng 35% và 186% so với năm 2020. Đây cũng là con số kinh doanh cao nhất từ trước tới nay của SMC.
TIS thoát lỗ quý 4 nhờ hoàn nhập chi phí
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2021, doanh thu thuần của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) trong quý 4/2021 đạt gần 3.224 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, TIS lại kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp gần 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty vẫn báo lãi sau thuế gần 10 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 7 tỷ đồng) nhờ hoàn nhập lượng lớn chi phí tài chính, cộng với tiết giảm chi phí quản lý.
Cụ thể, TIS đã thực hiện hoàn nhập chi phí tài chính gần 87 tỷ đồng, đây là kết quả từ việc Công ty điều chỉnh chênh lệch tỷ giá đã hạch toán đầu năm cộng với chi phí lãi vay giảm. Khoản chi phí quản lý đã giảm mạnh 65% so với cùng kỳ, còn hơn 33 tỷ đồng, do Công ty hoàn nhập công nợ và tiền đồng phục cho nhân viên.
Cả năm 2021, doanh thu thuần tại TIS gần 12,858 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Công ty lãi gộp hơn 788 tỷ đồng, tăng 66%. Biên lãi gộp tăng từ 5% lên hơn 6%. Sau khi trừ các loại chi phí như chi phí bán hàng tăng 7% đạt gần 62 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 79% đạt gần 446 tỷ đồng , TIS báo lãi sau thuế năm 2021 đạt hơn 122 tỷ đồng, tăng gấp 13.6 lần so với năm 2020.
Với kết quả lãi trước thuế đạt hơn 157 tỷ đồng, TIS đã vượt mục tiêu 49 tỷ đồng đề ra cho năm 2021 hơn 221%.
Có thể thấy, 2021 là một năm rực rỡ với ngành thép xây dựng, giá thép liên tục lập đỉnh kéo theo kết quả kinh doanh của nhiều ông lớn đổ xô các kỷ lục cũ. Tuy nhiên, sau thời gian tăng nóng trước những tác động của dịch COVID-19, giá thép xây dựng hạ nhiệt vào cuối năm.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khi nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến lượng bán hàng trong nước giảm. Theo đó, trong quý 3 lượng bán hàng giảm tới 40% so với quý 2.
Tuy lượng bán hàng giảm mạnh, nhưng ngành thép được kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi bởi làn sóng đầu tư công trong năm 2022.
Trong báo cáo chiến lược thị trường mới đây của SSI Research đặt quan điểm kém khả quan trong năm 2022 này với ngành thép cùng luận điểm cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp thép có thể đã đạt đỉnh trong năm 2021. Do đó, các công ty thép ước tính có thể có tăng trưởng lợi nhuận âm trong 2022 khi giá thép giảm.