Bà Lê Thị Thanh Hòa: Doanh nghiệp lữ hành đang bị các "ông lớn" hàng không, khách sạn bắt chẹt

Dịch bệnh, thiên tai là trường hợp bất khả kháng, khiến cho các doanh nghiệp du lịch không thể thực hiện hợp đồng, thế nhưng một số đối tác lại đang bắt chẹt theo luật chơi

Thưa bà, chúng ta ai cũng hiểu thiên tai, dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp du lịch về việc một số đối tác lớn như một số khách sạn 5 sao lớn, hay hàng không luôn có những quy định đưa ra để trì hoãn hoàn tiền dịch vụ đối với khách hàng. Bà có thể chia sẻ về thực tế hiện nay như thế nào?

Bà Lê Thị Thanh Hòa: Việc hủy tour trong trường hợp dịch bệnh ập đến bất ngờ là điều bất khả kháng. Đó là điều không mong muốn của tất cả các bên, từ khách hàng đến đơn vị lữ hành hay các nhà cung ứng dịch vụ. Vì vậy, việc chúng ta cần làm là hỗ trợ nhau, linh hoạt giải quyết sao cho thấu tình đạt lý, để giảm thiểu tối đa những thiệt hại không đáng có cho tất cả các bên.

Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung, trong mấy ngày qua, có rất nhiều doanh nghiệp du lịch bị khách hàng hủy đồng loạt, họ không những bị mất lợi nhuận mà còn chịu rất nhiều áp lực khi đứng giữa khách hàng và những nhà cung ứng dịch vụ. Một mặt khách hàng đòi hoàn trả lại tiền, trong khi có rất nhiều nhà cung ứng lại không hoàn trả cho đơn vị lữ hành, thậm chí phạt 100%. Tôi thấy điều này, xét cả về lý và tình đều chưa ổn, vì đây là bất khả kháng chứ không phải mong muốn chủ quan của bất cứ bên nào.

Theo tôi, nên chăng chúng ta cần linh hoạt cho khách hàng đổi thời gian khác, thực hiện sau khi dịch bệnh qua đi để an toàn cho tất cả chúng ta, điều đó cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đưa ra về phòng – chống dịch thay vì “cố ép” hoặc “làm khó” nhau chỉ để đạt mục đích và lợi ích cá nhân trước mắt.

Trong những trường hợp doanh nghiệp du lịch phải tạm ứng tiền để đặt cọc trước các dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn… cho những tour ghép khách chưa được thực hiện, khi xảy ra sự cố bất khả kháng phải hoàn hủy. Nếu họ chưa thể có ngày thay thế để cấn trừ hay bảo lưu thì các nhà cung ứng dịch vụ nếu không hỗ trợ trả lại tiền cho doanh nghiệp du lịch, mà vẫn giữ tiền đặt cọc đó, thì cũng nên trả lãi suất theo ngân hàng cho các đơn vị lữ hành để cùng chia sẻ khó khăn với nhau.

Như vậy sẽ tốt hơn, hợp tình hợp lý hơn, bởi vì như tôi được biết, có những doanh nghiệp lữ hành đã bỏ ra số tiền không nhỏ, thậm chí lên tới vài chục tỉ đồng để đặt cọc trước các dịch vụ đó thì theo tôi các bên cũng nên có một động thái để giải quyết thỏa đáng, phù hợp và hài hòa nhất cho các bên.

Bà Lê Thị Thanh Hòa, Phó Chủ Tịch Hội Du Lịch Cộng Đồng Việt Nam.  
Bà Lê Thị Thanh Hòa, Phó Chủ Tịch Hội Du Lịch Cộng Đồng Việt Nam.  

Vậy bà có thể cho biết cụ thể những "ông lớn" đang bắt chẹt các doanh nghiệp du lịch ở đây là những đơn vị nào?

Tôi xin chưa chỉ đích danh, vì "nói có sách mà mách thì có chứng”, nhưng hiện nay một số hệ thống khách sạn 5 sao và một số đối tác hàng không đang gây khó dễ cho các đơn vị lữ hành. Còn chỉ đích danh chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sau.

Thưa bà, có nhiều ý kiến cho rằng, với tư duy “ông lớn” thì các doanh nghiệp độc quyền có thể đặt ra luật chơi, các doanh nghiệp nhỏ phải theo luật chơi của “ông lớn”. Bà nghĩ sao về vấn đề trên?

Luật chơi thì các "ông lớn" hay "ông nhỏ" đều có thể tự đặt ra. Nhưng theo tôi, để tồn tại và phát triển bền vững thì cần phải giải quyết sự việc trên cơ sở thấu tình đạt lý, hài hòa lợi ích chung. Như vậy, sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc cậy thế độc quyền để rồi thành “đơn độc”, “cô độc” và tự đặt ra luật chơi rồi lại phải “chơi một mình”. Ranh giới giữa 2 điều đó rất mong manh, không nên để điều gì quá giới hạn đều là không tốt.

Vậy để doanh nghiệp yếu thế hơn được đảm bảo “ luật chơi” công bằng, bản thân họ cần làm điều gì?

Tôi nghĩ rằng, nếu ta không phải là một cây lớn, không thể “làm nên non” thì tại sao ta không “chụm” các cây nhỏ lại để thành “hòn núi to”. Hoặc hãy tìm “cây cao bóng cả” để nhờ sự hỗ trợ, phân xử, đảm bảo quyền lợi một cách công bằng nhất. Điều tôi muốn nói ở đây, là các doanh nghiệp nhỏ có thể liên kết, hợp sức lại với nhau và đừng quên dựa vào sức mạnh, sự bảo trợ của các cơ quan chức năng, tổ chức ban ngành quản lý. Bởi chính các tổ chức này sẽ là những “chiếc ô” luôn sẵn sàng xòe ra che cho các doanh nghiệp khi cần.

Bà Lê Thị Thanh Hòa (áo xanh) trong vai trò lãnh đạo Du lịch Cộng Đồng Việt Nam ký kết cùng các đối tác.  
Bà Lê Thị Thanh Hòa (áo xanh) trong vai trò lãnh đạo Du lịch Cộng Đồng Việt Nam ký kết cùng các đối tác.  

Bà có kiến nghị gì với Chính phủ về việc cần tái cơ cấu lại ngành du lịch sau dịch bệnh Covid-19?

Khi dịch Covid-19 bùng phát thì tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng xấu, nhưng có lẽ ngành du lịch là ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Ngành du lịch đang phải tính giải pháp khắc phục và tìm hướng đi mới phù hợp với điều kiện mới. Thời gian tới, là lúc để ngành du lịch củng cố, tái cơ cấu, kiện toàn cách vận hành cả ở tầm vĩ mô cũng như vi mô tại các doanh nghiệp. Chúng tôi rất vui khi nhiều doanh nghiệp du lịch có những khi tưởng chừng đang rơi vào bế tắc thì “cuối đường hầm” lại được các cơ quan ban ngành hỗ trợ rất tích cực và chỉ ra cho những “tia sáng” với những cơ hội mới.

Rất nhiều hội thảo, lớp học do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam hay Hội du lịch Cộng đồng Việt Nam – VCTC của chúng tôi cũng như các sở, ban ngành khác đã được tổ chức, với nội dung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tìm giải pháp, hướng đi mới, hướng dẫn chuyển đổi số, đưa công nghệ 4.0 vào cách quản lý để đạt hiệu quả tốt hơn. Đó là cách hỗ trợ rất tốt ở phạm vi ngành, ở một phạm vi rộng hơn, tôi hi vọng Chính phủ sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và cụ thể để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lữ hành đồng thời sớm khắc phục, vực dậy ngành du lịch nước nhà. Đây cũng chính là mong muốn chung của các đơn vị kinh doanh du lịch.

 

Thanh Loan (thực hiện)

Theo Doanh nghiệp Việt Nam