Đường sắt Cát Linh: Đừng như sợi dây kinh nghiệm kéo dài
Theo ông Bùi Danh Liên, thay vì tiếp tục trình bày lý do dự án chậm tiến độ, cần nhanh chóng dứt điểm để dự án có thể đi vào vận hành.
Trong dự thảo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT tiếp tục liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn như: vướng mặt bằng, thiếu quy định về hợp đồng trọn gói (EPC); Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ; các nhà thầu thiếu kinh nghiệm, đặc biệt khâu thiết kế, dẫn tới phải điều chỉnh... làm tăng tổng mức đầu tư dự án thêm hơn 9.231 tỷ đồng (từ hơn 8.769 tỷ đồng ban đầu lên hơn 18.001 tỷ đồng).
Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, những lý do này đã được Bộ GTVT đưa ra qua nhiều năm, trong nhiều báo cáo như "sợi dây kinh nghiệm" kéo dài.
Theo dõi dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từ những ngày đầu, qua mấy đời Bộ trưởng GTVT, ông Liên chia sẻ ông thấy nản lòng đối với dự án này khi cứ kéo dài hết năm nay qua năm khác.
"Trung Quốc là quốc gia có mạng lưới đường sắt dày đặc và họ xuất khẩu công nghệ đường sắt. Ở Trung Quốc, các công trình đầu tư hạ tầng giao thông làm nhanh, chất lượng đảm bảo. Cho nên, đối với dự án Cát Linh-Hà Đông cần phải xem xét khách quan", không phải lỗi một phía.
Dự án tốn kém thì cũng đã tốn kém rồi song cần có thái độ dứt khoát về công trình này, không để kéo dài mãi. Cái gì châm chước được thì châm chước, cái gì cần làm rõ trách nhiệm của từng bên thì làm. Đã là quan hệ kinh tế thì phải rành mạch, xem lại hợp đồng ban đầu thiếu sót thế nào, thiếu sót ấy thuộc về ai, giải quyết thế nào... và xử lý cho xong", ông Bùi Danh Liên nói.
Dù vậy, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, về phía Việt Nam, trực tiếp là Bộ GTVT - chủ đầu tư dự án, cũng nên nhìn nhận về vấn đề trách nhiệm khi thực hiện dự án này.
"Bộ không cần thiết phải tiếp tục đưa ra lý do giải thích vì sao dự án chậm tiến độ, đội vốn hết năm này qua năm khác, từ báo cáo nọ sang báo cáo khác mà tập trung vào việc làm sao để đưa dự án vào vận hành, lúc ấy xem xét lại trách nhiệm của các bên liên quan cũng chưa muộn", ông Liên nêu rõ và lưu ý, trong lĩnh vực GTVT, có những vấn đề phân công, phân cấp cho địa phương, nhưng về nguyên tắc, Bộ GTVT vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp quản lý cao hơn.
"Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ kéo dài qua mấy đời Bộ trưởng GTVT nhưng không phải vì thế mà người sai phạm trước đó không phải chịu trách nhiệm.
Cán bộ công chức, viên chức nào liên quan đến tổ chức quản lý nhà nước mà để xảy ra hậu quả thì dù đó là ai, đang làm việc hay đã nghỉ hưu, tùy theo mức độ phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì xử hình sự", ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh và cho biết dự án Cát Linh-Hà Đông không phải là dự án hạ tầng giao thông duy nhất chậm tiến độ. Ngay cả kế hoạch thu phí tự động không dừng cũng là một ví dụ tương tự.
"Rõ ràng, Bộ phải xem lại năng lực, trình độ của cấp dưới, bộ phận tham mưu, không để kéo dài rồi đưa ra lý do biện minh", ông nói.
Cho tới nay, dự án Cát Linh-Hà Đông vẫn chờ Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng ra quyết định cuối cùng. Theo ông Liên, đối với dự án này không thể chần chừ thêm được nữa, cần có người ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định ấy.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn vào tháng 12/2020. Bộ GTVT đã hoàn thành công tác nghiệm thu dự án. Tới đây, Đoàn chuyên gia của Trung Quốc sẽ tới Việt Nam hỗ trợ vận hành khai thác thương mại đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể dự án, Bộ GTVT đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu dự án. Do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, bao gồm nhiều chuyên ngành, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.
Dự kiến, Hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10 này. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.