Bao giờ đất vàng 94 Lò Đúc xây trường học?

Khu đất 94 Lò Đức từng được lãnh đạo TP.Hà Nội tuyên bố xây dựng trường học nhưng nhiều năm nay vẫn bỏ không.

Đất vàng để không gần 10 năm

Ngày 10/3/2021, theo quan sát của Đất Việt, khu đất 94 Lò Đúc (Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) hiện vẫn quây tôn nhiều mặt, phần giáp với đường Lò Đúc vẫn là cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico).

Nhiều người dân sống quanh khu đất này chia sẻ, họ đã từng kỳ vọng vào việc đỉa chỉ 94 Lò Đúc sẽ là trường học nhưng thông báo của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vào năm 2013, nhưng từ đó cho đến nay, nơi đây vẫn chỉ là bãi đất để trống, trong khi các cơ sở giáo dục trên địa bàn đang thiếu hụt trầm trọng.

Bao giờ đất vàng 94 Lò Đúc xây trường học? - Ảnh 1
Khu đất 94 Lò Đúc hiện vẫn chưa được xây trường học như thông tin của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội gần 8 năm về trước.

Được biết, khu đất 94 Lò Đúc vốn là Nhà máy rượu Hà Nội do Công ty CP Cồn rượu Hà Nội quản lý. Nhưng do nhu cầu thiết yếu về cơ sở giáo dục khu vực nội đô, cơ quan chức năng đã chấp thuận chủ trương di dời Nhà máy rượu Hà Nội, đồng thời giao cho UBND TP. Hà Nội nghiên cứu xây dựng trường học tại khu đất này.

Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vào ngày 5/7/2013, trả lời chất vấn của đại biểu tổ quận Hai Bà Trưng về hai dự án trường học ở hai ô đất này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng thông tin, lô đất 94 Lò Đúc sẽ được xây dựng trường tiểu học, mẫu giáo và giao cho UBND Q. Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, vẫn chưa có trường học nào được xây dựng tại 94 Lò Đúc dù đã được giải phóng mặt bằng suốt nhiều năm qua.

Có biến thành cao ốc?

Lô đất 94 Lò Đúc được coi nằm ở vị trí vàng của Thủ đô Hà Nội khi rộng tới gần 8.000m2, tiếp giáp 3 mặt đường Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ và Hòa Mã. Năm 2013, ngay sau khi khu đất này được thu hồi, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình (Công ty Thiên Bình) nghiên cứu lập dự án.

Theo bản quy hoạch chi tiết 1/500 được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận thì chỉ có 3.535m2 trên tổng số diện tích gần 8.000m2 của lô đất 94 Lò Đúc được xây dựng trường học.

Công ty Thiên Bình cũng đã 2 lần thế chấp quyền tài sản phát sinh từ khu đất 94 Lò Đúc để lấy về hàng trăm tỷ đồng.

Báo Nhân Dân dẫn thông tin năm 2014, Công ty Thiên Bình ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng SHB Chi nhánh Bắc Ninh tài sản thế chấp là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02/2014/HĐ/TB-TS ký giữa Công ty Thiên Bình và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thái Sơn ngày 25/1/2014. Bao gồm toàn bộ Dự án tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại - Công trình CT1 tại 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Bao giờ đất vàng 94 Lò Đúc xây trường học? - Ảnh 2
Khu đất 94 Lò Đúc bị Công ty Thiên Bình đem thế chấp ngân hàng.

Tới tháng 12/2018, Công ty Thiên Bình tiếp tục thế chấp dự án 94 Lò Đúc tại ngân hàng SHB Chi nhánh Hoàn Kiếm để lấy về số tiền lên tới hơn 237 tỷ đồng.

Theo nội dung Hợp đồng số 239/2018/HĐTC-BTB/SHB.111200 ngày 29/12/2018, thì Công ty Thiên Bình đã thế chấp: Quyền tài sản phát sinh từ Dự án “Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại” tại số 94 Lò Đúc.

Các chuyên gia pháp lý về ngân hàng cho biết, theo quy định, việc thế chấp quyền tài sản phát sinh trên đất tại ngân hàng chỉ thực hiện được khi khu đất đó đã hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý để hình thành dự án.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, Công ty Thiên Bình phải có dự án tại 94 Lò Đúc mới có thể 2 lần thực hiện thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, tên dự án tại 94 Lò Đúc không chỉ có trường học mà còn bao gồm cả công trình văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại. Điều này chưa phù hợp với quy hoạch chung của UBND TP. Hà Nội đưa ra vào năm 2016 khi không cho phép tuyến phố Lò Đúc - Kim Ngưu không được xây dựng công trình cao tầng.

Công ty Thiên Bình được thành lập ngày 4/6/2013, chỉ một tháng trước thời điểm bà Ngọc trả lời chất vấn HĐND thành phố. Công ty đăng ký trụ sở tại chính số 94 Lò Đúc.

Tỉ lệ góp vốn có Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà góp 238 tỷ đồng (chiếm 51%), ông Đỗ Anh Dũng (60 tuổi, địa chỉ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) góp 224 tỷ đồng (chiếm 48%); ông Trần Hồng Sơn (địa chỉ ở phố Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) góp 4,6 tỷ đồng (chiếm 1%).

Đến ngày 20/6/2018, Giấy phép đăng ký sửa đổi của Công ty Thiên Bình chỉ còn thể hiện ông Đỗ Anh Dũng góp 462 tỷ đồng (chiếm 99%), ông Trần Hồng Sơn góp 4,6 tỷ đồng (chiếm 1%). Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà không còn là cổ đông của Công ty Thiên Bình nữa.

Nhiều thông tin cho rằng, người nắm giữ 99% cổ phần Công ty Thiên Bình cũng hiện là chủ tịch một tập đoàn  – một công ty bất động sản đang phát triển nhiều dự án căn hộ hạng sang và cao cấp trên đất vàng Thủ đô.

 

Ngọc Minh

Theo Đất Việt