Bất chấp dịch bệnh, năm 2020 An Gia vẫn đạt doanh thu gấp 5 lần năm trước
Dưới những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, có thể nói hầu hết doanh nghiệp bất động sản đã trải qua một năm 2020 với những khó khăn chung. Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (An Gia) đã trải qua một năm 2020 tương đối thành công, thậm trí còn có những đột phá về doanh thu trong năm qua.
CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia được thành lập vào năm 2006, Trụ sở chính đặt tại 30 Nguyễn Thị Diệu, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, khởi đầu là công ty cung cấp dịch vụ tư vấn & môi giới bất động sản. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Bá Sáng.
Đầu năm 2020, An Gia Group đã chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE: AGG). An Gia từng cũng từng bắt tay hợp tác với một số nhà thầu xây dựng lớn như Coteccons hay Ricons. Năm 2015 Công ty tham gia thương vụ đầu tư 200 triệu USD từ Quỹ Creed Group (một quỹ đầu tư từ Nhật Bản).
Trong vòng 4 năm hoạt động kể từ thời điểm năm 2014, An Gia đã hoàn thành 5 dự án gồm: The Garden (Tân Phú), The Star (Bình Tân), Skyline, River City (quận 7). Song song đó là triển khai 5 dự án gồm River Panorama 1, 2, The Sky89, The Siginal (quận 7) và Condotel The Sóng (Vũng Tàu). 80% doanh thu của An Gia đến từ việc bán căn hộ. Cụ thể, năm 2018, lợi nhuận gộp từ việc bán căn hộ và tổng lợi nhuận gộp lần lượt đạt 393 tỷ đồng và 401 tỷ đồng, tăng 80% và 81% so với năm 2017.
Có thể nói An Gia là một trong số ít doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng ổn định về doanh thu trong thời buổi dịch bệnh hoành hành. Theo đó, năm 2020 hàng loạt doanh nghiệp bất động sản “điêu đứng” trước tác động tiêu cực của đại dịch. Riêng An Gia vẫn có những bước đi khá chắc trên thương trường.
Cụ thể, kết thúc năm 2020, An Gia đạt 1.753 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 30% và đạt gần 480 tỷ đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp công ty duy trì tốc độ tăng trưởng cao với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm về doanh thu là 36% và lợi nhuận là 278% trong giai đoạn 2016 – 2020.
Tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ nguồn hàng dồi dào
Dữ liệu từ BCTC hợp nhất quý IV/2020 cho thấy, tồn kho bất động sản của công ty tăng mạnh lên 5.734 tỷ đồng so với mức 2.611 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Điều này cho thấy nguồn hàng cung cấp ra thị trường của An Gia trong thời gian tới sẽ cực kỳ rất dồi dào. Lượng hàng tồn kho, tiền người mua trả trước và tài sản dài hạn là những cơ sở để An Gia tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
So với các doanh nghiệp khác, An Gia có tỷ lệ khách hàng trả trước tiền mua nhà ở mức khá cao (27%). Cụ thể, cuối năm 2020, An Gia ghi nhận 2.553 tỷ đồng tiền khách hàng cá nhân trả trước khi mua căn hộ dự án (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019). Công ty cũng ghi nhận thêm 244 tỷ đồng phải thu ngắn hạn từ khách hàng mua nhà (tăng 9 lần so với cùng kỳ năm trước). Đây là nguồn thu lớn được hạch toán khi các sản phẩm được bàn giao cho khách hàng. Trong đó phải kể đến 2 dự án trọng điểm là The Sóng và The Standard
Bên cạnh đó, việc các dự án của An Gia luôn được triển khai theo đúng tiến độ cũng là một điểm nổi bật. Cụ thể, trong tháng 12/2020, công ty đã bàn giao các sản phẩm tại dự án River Panorama 1 – 2 cho khách hàng. Cũng trong tháng, dự án Sky89 đã chính thức được cất nóc và dự kiến sẵn sàng bàn giao trong quý III/2021 như cam kết với các khách hàng.
Ngoài ra, An Gia cũng vẫn duy trì được lượng tiền mặt rất dồi dào. Tại ngày 31/12/2020, tiền và tương đương tiền của An Gia đạt 518 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2019 và hơn 100 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn. Được biết, sở dĩ An Gia duy trì được tình hình tài chính lành mạnh là nhờ cơ cấu tài chính phù hợp với quy mô doanh nghiệp. Hiện tại, Công ty đang phát triển khoảng 10 dự án với tổng quy mô khoảng 17.000 sản phẩm, đây là quy mô lớn nếu xét trên một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ hơn 824 tỷ đồng. Công ty có tăng mạnh vay ngắn hạn và dài hạn trong năm 2020, tuy nhiên tỷ lệ nợ vay vẫn ở mức an toàn.
Để triển khai các dự án tầm cỡ, quy mô lớn, An Gia lập ra những bước đi hết sức bài bản và hiệu quả. Theo đó, thay vì tự đứng ra góp vốn, An Gia duy trì mô hình cấu trúc đặc thù thông qua hệ thống công ty mẹ và công ty dự án. Hệ thống này sẽ là những đơn vị đứng tên để nhận chuyển nhượng dự án, nhận chuyển nhượng phần vốn góp. Trong khi đó bản thân An Gia và các nhà đầu tư tài chính (như Creed Group, Hoories, Riland…) sẽ đứng ra tài trợ cho công ty mẹ và công ty dự án thông qua việc góp vốn hoặc cung cấp khoản vay, thường sẽ theo tỷ lệ 50,05 – 49,95%. Trên thực tế, An Gia chỉ cần góp khoảng 20% vốn nhưng hưởng tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ dự án khoảng 50,05%.
Theo Công ty chứng khoán Bản Việt (BVSC) nhận định, giai đoạn 2021-2023 sẽ là thời điểm An Gia tăng trưởng mạnh mẽ vì đây là điểm rơi công ty bàn giao các sản phẩm cho khách hàng. Theo dự kiến Công ty sẽ tung ra thị trường khoảng 3.000 sản phẩm vào năm 2023. Với hàng loạt dự án cũng hàng nghìn sản phẩm sắp được đẩy ra thị trường, trong đó có 2 dự án trọng điểm là The Sóng và The Standard, BVSC kỳ vọng An Gia có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng khoảng 20% so với những năm trước. Các nhà phân tích cũng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của An Gia sẽ đạt hơn 500 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020.