Bất động sản 24: Nhận diện “thủ phạm“ cản trở tăng trưởng bất động sản TP.HCM
Nhận diện thủ phạm cản trở tăng trưởng bất động sản TP.HCM; Siết tín dụng vào bất động sản để hạ sốt đất... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Nhận diện "thủ phạm" cản trở tăng trưởng bất động sản TP.HCM
Đó là nhận xét của TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải).
Theo ông Mười, mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng TP.HCM có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP chiếm 22,8% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.799 USD. Thu ngân sách năm 2020 chiếm tỷ trọng 27% lớn nhất cả nước.
Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cũng cho rằng khó khăn lớn của một dự án bất động sản không đến từ vốn mà chính là hệ thống kết cấu hạ tầng của TP.HCM và hạ tầng kết nối các tỉnh trong vùng thiếu đồng bộ, ngày càng quá tải.
Theo kinh nghiệm của thế giới, việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội, phân bố lại dân cư và việc làm. Trong đó, phát triển giao thông là nền tảng, có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với phát triển đô thị; là cơ sở thực hiện quy hoạch đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, làm gia tăng giá trị bất động sản…
Siết tín dụng vào bất động sản để hạ sốt đất
10 năm trước, cơn sốt đất đã bùng nổ tại nhiều địa phương với giá đất tăng phi mã. Nguyên nhân của cơn sốt đất giai đoạn 2010 - 2011 được cho là đến từ sự nới lỏng của dòng tiền cho vay, dẫn tới tình trạng nhà đầu tư ồ ạt sử dụng đòn bẩy tài chính. Đến năm 2012, kịch bản vỡ bong bóng bất động sản đã xuất hiện.
Đến năm 2020, cơn sốt đất bắt đầu nhen nhóm. Và bước sang đầu năm 2021, thông tin sốt đất bùng nổ trên nhiều địa phương. Theo số liệu từ hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1, 2 tháng qua.
Trước diễn biến gia tăng giá đột biến của đất cùng dòng tiền đổ mạnh vào kênh đầu tư có giá trị vốn hoá cao, các chuyên gia cho rằng, một kịch bản sốt đất đã và đang tái diễn như chu kỳ của một thập kỷ trước. Nguy cơ vỡ bong bóng là điều có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tại nhiều hội thảo, toạ đàm về sốt đất, các chuyên gia đều đồng tình quan điểm rằng, dòng tiền rẻ là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng làn sóng đổ xô đầu tư. Ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên cao cấp của quỹ đầu tư SG Holdings cho rằng, dòng vốn giá rẻ từ ngân hàng đã dẫn tới vốn chảy mạnh vào bất động sản. Việc nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất là một trong những chính sách được Việt Nam áp dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước khủng hoảng do Covid-19. Điều này đã khiến dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ tài sản như bất động sản trong đầu năm 2021.
Những lý do khiến việc dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội thất bại
Ngày 1/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH). Nội dung được quan tâm và tranh luận nhiều nhất chính là sửa đổi Điều 5 về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, “Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội”.
Nghị định 100/2015/NĐ-CP cũng quy định: (i) “Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%; (ii) “Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách”; (iii) “chuyển giao quỹ đất này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án”. Đặc biệt, nếu dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì: (i) “chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội”; (ii) “chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội”; (iii) nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn”.
Kết quả dành quỹ đất 20% xây dựng NƠXH sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP là con số 0 tròn trĩnh với vô số lý do khác nhau như: Bất cập trong quy định đấu thầu, đấu giá quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án giao lại cho Nhà nước khi muốn phát triển NƠXH nên không thực hiện được (không ai tham gia) hay sử dụng ngân sách để đầu tư thì xây dựng NƠXH không phải là ưu tiên hàng đầu ở nhiều địa phương.
Bình Phước: Đại gia Thành Phương “trúng“ ngàn tỷ từ đấu giá đất công
Ngày 23/3 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư - Bất động sản Thành Phương chính thức khởi công dự án Khu đô thị - Trung tâm hành chính - Thương mại - Dịch vụ - Dân cư huyện Lộc Ninh, tên thương mại là Diamond City. Lễ khởi công có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, cùng với lãnh đạo các sở, ngành huyện Lộc Ninh.
Phát biểu tại lễ khởi công, lãnh đạo huyện Lộc Ninh nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng tại Lộc Ninh, là dự án tạo tiền đề đột phá về quy hoạch và thiết kế cảnh quan khu đô thị kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cung cấp dịch vụ - thương mại chất lượng cao cho nhân dân Lộc Ninh. Dự án có khu hành chính tập trung của huyện và tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đang tổ chức thi tuyển thiết kế cho tòa nhà hành chính. Đây cũng là mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được đề ra là nâng cấp, chỉnh trang đô thị thị trấn Lộc Ninh lên đô thị loại IV.
Lễ khởi công có sự tham dự của Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước - bà Huỳnh Thị Hằng; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - bà Trần Tuệ Hiền; cùng Ủy viên Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành và huyện Lộc Ninh. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cùng ấn nút khởi công dự án.
Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Tỉnh cũng hỗ trợ tối đa để dự án được triển khai thuận lợi nhất.
Sóc Trăng tạm dừng phân lô tách thửa để kiềm chế sốt đất
Trước phản ánh về "cò" đất và loạn mua bán nhà tự phát, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng họp với lãnh đạo các địa phương bàn biện pháp chấn chỉnh.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết hiện tượng “cò” đất và nhân viên các doanh nghiệp môi giới bất động sản dùng kềm bấm tờ rơi vào cây xanh dọc theo các tuyến đường để quảng cáo nhà, đất đã gây mất mỹ quan đô thị. Hình ảnh nhân viên môi giới nhà đất thường xuyên đứng trước cổng các trường học để mời phụ huynh nhận tờ rơi, thông báo giá nhà đất ít nhiều gây phản cảm.
Ông Xuân Lương, ngụ thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết cứ vài ngày lại thấy nhân viên môi giới nhà đất “vây” cổng trường để phát tờ rơi quảng cáo.
“Một số học sinh cũng được nhân viên nhà đất dúi vào tay tờ rơi quảng cáo bất động sản. Hình ảnh này rất phản cảm”, ông Lương nói.