Bất động sản 24h: Bóc mẽ chiêu trò bán tháo bất động sản, mua nhà giảm giá chỉ có trên tivi?

Bóc mẽ chiêu trò bán tháo bất động sản, mua nhà giảm giá chỉ có trên tivi?; Doanh nghiệp bất động sản cần được bơm “ôxy” lãi suất ưu đãi... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất trong 24h qua.

Bóc mẽ chiêu trò bán tháo bất động sản, mua nhà giảm giá chỉ có trên tivi?

Nhiều chuyên gia cảnh báo, khách mua nhà cần tìm hiểu kỹ thông tin, giá cả kẻo "sập bẫy" chiêu trò của dân môi giới với bài cắt lỗ, bán tháo...

Tìm được mẩu tin rao bán căn hộ cắt lỗ ở khu chung cư phía Tây Hà Nội, chị Tú Anh mừng rỡ. Giá rao bán căn hộ 2 phòng ngủ này là 2,3 tỷ đồng, trong khi giá gốc là hơn 2,5 tỷ đồng.

Cắt lỗ, bán tháo là một trong những chiêu bài quảng cáo mà những người muốn bán căn hộ thường sử dụng để "câu view", thu hút sự chú ý của người mua. (Ảnh: Báo Dân trí)  
Cắt lỗ, bán tháo là một trong những chiêu bài quảng cáo mà những người muốn bán căn hộ thường sử dụng để "câu view", thu hút sự chú ý của người mua. (Ảnh: Báo Dân trí)  
"Thấy người bán nêu rõ cắt lỗ, bán gấp do ảnh hưởng của Covid-19. Tôi vội vàng gọi ngay vì cũng đang cần tìm nhà khu vực này, nhưng thực tế khá bất ngờ", chị Tú Anh kể, người nhận cuộc gọi một môi giới. Anh chàng môi giới thực thà thú nhận: "Em chỉ rao giá sốc vậy để thu hút người mua thôi ạ. Đồng nghiệp em ai cũng rao giá sốc, em mà để đúng giá thì làm gì có ai chịu vào".

Trên thực tế, chiêu rao bán cắt lỗ khá phổ biến trong giới môi giới bất động sản để đẩy hàng. Giá đôi khi cao hơn và không hề "lỗ" như nhiều người lầm tưởng.

Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1443/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thành viên Hội đồng gồm: Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học; các ủy viên phản biện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.

Hoạt động của Hội đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, trong đó, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết theo đa số để thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch.

Giải mã lý do thị trường BĐS Hà Nội thu hẹp khoảng cách về giá giữa trung tâm và ngoại thành

Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội và cải thiện của hạ tầng, các phân khúc bất động sản nhà ở, công nghiệp, thương mại đang ở giai đoạn hưởng lợi.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách 8,93 tỷ USD đầu tư công sẽ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ riêng tại Hà Nội, giai đoạn này sẽ có 460 dự án đầu tư trung hạn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại Thủ đô. Năm 2021, hai tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) sẽ đi vào hoạt động quý III/2021, trong khi tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) đoạn trên cao có thể sẽ đi vào hoạt động trong quý IV. Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, 7 đường vành đai sẽ lần lượt đi vào hoạt động.

Bất động sản 24h: Bóc mẽ chiêu trò bán tháo bất động sản, mua nhà giảm giá chỉ có trên tivi? - Ảnh 1

Việc cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thay đổi xu hướng văn phòng trong tương lai. Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội và cải thiện của hạ tầng, nhu cầu nhà ở tại các tỉnh lân cận được thúc đẩy, khoảng cách về giá nhà giữa khu vực thành thị và vùng lân cận sẽ được thu hẹp.

Với lĩnh vực nhà ở, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội đánh giá: “Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đặt mục tiêu giảm dân số của khu vực, đồng thời khẳng định xu hướng phát triển chung cư hướng ra ngoài trung tâm và tạo điều kiện cho việc cải tạo, nâng cấp, cũng như tạo ra các dòng sản phẩm cao cấp nâng tầm vị thế thị trường”.

Doanh nghiệp bất động sản cần được bơm “ôxy” lãi suất ưu đãi

Một lần nữa bất động sản không được nhắc tên trong danh sách các ngành nghề được hưởng các gói hỗ trợ từ phía ngân hàng do khoác áo “ngành phi sản xuất”.

Mới đây, nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố các gói hỗ trợ giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm. Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên chỉ gồm các doanh nghiệp dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu… Các ngân hàng còn lưu ý, việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành công văn số 3029/NHNN chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đổ vào bất động sản. Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản bị tác động kép, nhiều doanh nghiệp không còn vốn để duy trì hoạt động, phát triển các dự án mới.

Những chiêu lừa siêu đẳng trong mua bán nhà đất

Khi tham gia vào giao dịch mua bán nhà đất, người mua phải đối mặt với rất nhiều chiêu trò có thể xảy ra. Nếu không tỉnh táo và lường trước, người mua dễ rơi vào tình cảnh “mất trắng” vì chiêu thức lừa đảo tinh vi.

Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là sử dụng giấy tờ giả. Kẻ gian sẽ đóng giả làm người mua nhà, nhắm đến các căn/lô đất có giá trị cao, tiếp cận các con mồi thông qua môi giới hoặc các trang đăng tin. Sau khi đến xem nhà, kẻ gian sẽ đòi xem sổ đỏ/sổ hồng và sử dụng các chiêu thức tinh vi để làm giả, đánh tráo sổ giả lấy sổ thật để mang đi giao dịch kiếm lời. Điều này lý giải tại sao nhiều người bỗng dưng nhận được tin nhà mình bị bán… trong khi sổ đỏ vẫn nằm trong két.

Linh San (tổng hợp)

Theo Reatimes