Bất động sản 24h: Lo ngại kịch bản “sốt đất“ sẽ liên tục lặp lại

Lo ngại kịch bản sốt đất sẽ liên tục lặp lại; Mất hơn 2 tháng để giao dịch thành công một căn nhà mặt tiền 10 tỷ đồng tại TP.HCM... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất trong 24h qua.

Lo ngại kịch bản "sốt đất" sẽ liên tục lặp lại

Giới chuyên gia dự báo, kịch bản "sốt đất" sẽ còn lặp lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các nhà đầu tư sau một thời gian dài bị kìm hãm sẽ hoạt động trở lại sôi động hơn.

Những động thái của Nhà nước hay địa phương về quy hoạch… đều đã và đang bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá đất tạo các cơn sốt đất ảo. Điển hình trong số này phải kể đến việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, Cần Giờ, Phú Quốc. Mỗi lần địa phương đề xuất điều chỉnh và được Chính phủ phê duyệt thì bất động sản các khu vực này cũng điều chỉnh giá bán theo chiều hướng tăng cao hơn.

Giá nhà đất phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) tăng cao ngất ngưởng sau khi có thông tin mở rộng đường. (Ảnh Phạm Hưng/Dân Việt)  
Giá nhà đất phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) tăng cao ngất ngưởng sau khi có thông tin mở rộng đường. (Ảnh Phạm Hưng/Dân Việt)  
Cũng dọc từ Bắc vào Nam ngay từ đầu năm có thể kể đến những quy hoạch điển hình tác động đến thị trường bất động sản. Ví như Hà Nội dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021 nhưng chưa đầy 1 tuần, giá đất tại các khu vực ven sông Hồng đã tăng gấp 1,5 - 2 lần so với trước đó. Trong khi đó, quy hoạch này đã được đề xuất từ hơn 20 năm trước, và sau mỗi lần điều chỉnh ý tưởng quy hoạch, giá đất cũng được điều chỉnh theo.

Hay mới đây, dự án xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc - Thái Hà mới có thông tin về giá quyết định bồi thường, nhưng chỉ trong vài ngày giá rao bán nhà tại khu vực này đã tăng phi mã, nhiều người rao bán rầm rộ, mức giá đạt đỉnh tới 600 triệu đồng/m2.

Bộ Xây dựng hướng dẫn tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường

Nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là một số tỉnh phía Nam. Do đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng”.

Văn bản nêu rõ, để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 trên công trường hiệu quả, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc, xem xét thực hiện một số nội dung như yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc tổ chức phổ biến cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn triển khai, áp dụng “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng”.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế, địa phương và hướng dẫn này tại các công trường đang thi công xây dựng trên địa bàn.

Quyền bề mặt - Một loại quyền khác đối với bất động sản

“Quyền bề mặt” là khái niệm mới xuất hiện trong Bộ luật Dân sự 2015 tại Việt Nam, nhưng đối với các nước trên thế giới thì đây là khái niệm không hề mới.

Bất động sản 24h: Lo ngại kịch bản “sốt đất“ sẽ liên tục lặp lại - Ảnh 1

Bà A ký kết hợp đồng thuê đất của ông B. Thực tế bà A là người đang sử dụng đất một cách hợp pháp nhưng bà A lại không được Luật Đất đai thừa nhận với tư cách là “người sử dụng đất” mà phải là ông B, người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, bà A chỉ có thể sử dụng đất, xây dựng, khai thác, thế chấp các tài sản trên đất chứ không thể giao kết các hợp đồng khác như chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế quyền sử dụng đất, bởi những quyền năng này thuộc về ông B. Đây chính là một ví dụ trên thực tế về quyền bề mặt.

“Quyền bề mặt” là khái niệm mới xuất hiện trong Bộ luật Dân sự 2015 tại Việt Nam, nhưng đối với các nước trên thế giới thì đây là khái niệm không hề mới. Quan điểm của một số nước trên thế giới cho rằng quyền bề mặt là quyền gắn với bề mặt đất để xây dựng công trình, là một trong số quyền thuộc quyền sở hữu. Theo đó, quyền bề mặt chỉ là quyền đối với phần mặt đất và không có quyền đối với các khoáng chất dưới lòng đất, không gian trên mặt đất, mặt nước hay bầu trời, mà các quyền này độc lập với nhau và có thể chuyển nhượng như với các tài sản thông thường.

Chốn nương náu bình yên ở căn nhà góc nào cũng “chất“

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, cuộc sống xa bồ, náo nhiệt của chốn thành thị khiến con người ta muốn tìm đến 1 chốn bình yên, nơi mà cả gia đình có thể cùng nhau tận hưởng những phút giây an nhiên, hạnh phúc bên nhau.

Cách Hà Nội 40km, Venus by Flamingo (Vĩnh Phúc) là nơi chị Trang Đỗ lựa chọn “chốn nương náu bình yên” cho riêng mình. Căn nhà được chị hoàn thiện bằng cả tâm huyết của mình để gia đình có thể tận hưởng không khí trong lành, an yên ở “một nơi xa”.

Kể về quyết định sống chậm tại căn nhà thứ 2 của mình, chị Trang Đỗ cho biết: “Buổi chiều ngày 23/7, trong khi hì hụi thực hiện những công đoạn hoàn thiện cuối cùng cho căn nhà, mình nhận được tin báo Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thế là lại sấp ngửa chạy về thành phố, vơ vét được ít nhu yếu phẩm và nhõn 3 bộ quần áo rồi trở lại Đại Lải ngay trong đêm cho kịp giờ G. Suốt thời gian cách ly mình sẽ “cố thủ” ở đây, cái ốc đảo yên tĩnh xanh mướt mát này, tận hưởng một cuộc sống lao động giữa thiên nhiên, rời xa thành phố, tự cung tự cấp đúng nghĩa”.

Mất hơn 2 tháng để giao dịch thành công một căn nhà mặt tiền 10 tỷ đồng tại TP.HCM

Giá trị bất động sản tỷ lệ thuận với thời gian giao dịch vì quá trình thương lượng giữa người mua và người bán sẽ diễn ra lâu hơn với các tài sản giá trị lớn. Ngoài ra, người mua cần nhiều thời gian kiểm tra thông tin pháp lý, quy hoạch hoặc chuẩn bị giấy tờ vay ngân hàng.

Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM của Propzy đã chỉ ra số ngày giao dịch trung bình nhà mặt tiền và nhà hẻm theo 5 phúc khúc giá khác nhau tại TP.HCM trong năm 2021. 

Theo đó, với nhà mặt tiền, phân khúc giá dưới 3 tỷ đồng/căn mất khoảng 58 ngày để giao dịch; từ 3 - 5 tỷ có số ngày giao dịch trung bình là 46 ngày; phân khúc giá từ 5 - 7 tỷ mất khoảng 58 ngày để giao dịch thành công; phân khúc 7 - 10 tỷ, mất 63 ngày để giao dịch, và phân phúc giá trên 10 tỷ mất 66 ngày để thương lượng giao dịch. 

Thời gian giao dịch trung bình này cũng diễn ra tương tự ở nhà hẻm theo các phân khúc giá nói trên. Riêng phân khúc giá nhà trên 10 tỷ tại hẻm cũng mất khoảng 64 ngày để giao dịch thành công.

Linh San (tổng hợp)

Theo Reatimes