Bất động sản 24h: Cuối năm, đầu tư phân khúc bất động sản nào sẽ sinh lợi?

Cuối năm, đầu tư phân khúc bất động sản nào sẽ sinh lợi?; "Tấm màng lọc" Covid-19 và cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp BĐS 2021... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Cuối năm, đầu tư phân khúc bất động sản nào sẽ sinh lợi?

Giới chuyên gia cho rằng, từ nay cho đến cuối năm chính là “thời điểm vàng” cho thị trường BĐS tăng trưởng và bứt tốc nhất là phân khúc đất nền và căn hộ bình dân dưới 2 tỷ đồng.

Sau gần 1 năm chịu tác động từ đại dịch Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam đã bắt đầu hồi phục.

ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) khẳng định, lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục, yếu tố này sẽ là động lực chính để nhà đầu tư trở lại thị trường.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (HoREA) dự báo, thị trường BĐS cuối năm đang có lực đẩy từ nhiều chính sách mới.

Cụ thể, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021;... Đồng thời, Chính phủ đang xem xét sửa đổi thi hành Luật Đất đai, để tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ và nhiều tín hiệu lạc quan

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020. Theo đó, báo cáo nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, song lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản cả nước nói chung vẫn ghi nhận những điểm tích cực và các chỉ số đáng kể.

Bất động sản 24h: Cuối năm, đầu tư phân khúc bất động sản nào sẽ sinh lợi? - Ảnh 1

Một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng (như Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP, hàng loạt Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành...).

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn và có những tín hiệu lạc quan, tích cực. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Cụ thể, tổng giao dịch các sản phẩm bất động sản bình quân trên cả nước trong quý III/2020 bằng khoảng 110 - 125% so với quý II/2020, bởi doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Tính đến thời điểm tháng 10/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với nhiều chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước; Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi sau làn sóng Covid-19 lần thứ hai diễn ra tại một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, TP.HCM.

"Tấm màng lọc" Covid-19 và cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp BĐS 2021

Thị trường bất động sản Việt Nam vừa có những chuyển động do tác động trực tiếp của Covid-19 vừa tiếp tục những xu hướng đã hình thành từ trước khi xảy ra đại dịch đồng thời được thúc đẩy nhanh hơn do đại dịch hoặc ngược lại.

Dấu ấn sâu sắc nhất của Covid-19 lên thị trường bất động sản chính là kết quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. Tương tự như tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp bất động sản, kể cả các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh đều chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhất là trong quý II/2020.

Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp môi giới bất động sản buộc phải dừng hoạt động do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội đối phó dịch bệnh.

Đang trên đà phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng thì vấp phải tác động của đại dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp bất động sản lâm cảnh lao đao. Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, sa thải một bộ phận lao động hay ít nhất là giảm tiền lương và thu nhập của người lao động. Thậm chí một số doanh nghiệp bất động sản rơi vào thua lỗ, phải giải thể hay phá sản.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2020 đã có gần 85,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có không ít doanh nghiệp bất động sản.

Cuộc chơi lớn, cần đơn vị tư vấn quy hoạch có tâm và có tầm

Chiến lược phát triển đô thị thời gian tới đề cập trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có nhắc tới nội dung phát triển đô thị Việt Nam ứng dụng công nghệ mới. Dần dần Việt Nam cũng sẽ hình thành hệ thống các đô thị thông minh tập trung vào 3 miền Bắc - Trung - Nam. Hà Nội đang là nơi thí điểm nhiều khu đô thị thông minh như ở khu vực phía Bắc sông Hồng, tương tự TP.HCM là phát triển thành phố trong thành phố ở khu vực phía Đông, miền Trung là Đà Nẵng. Đây là những thành phố tiên phong đi đầu.

Cùng với đó, năm 2019, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng nêu mục tiêu cụ thể có ít nhất 3 đô thị thông minh.

Bất động sản 24h: Cuối năm, đầu tư phân khúc bất động sản nào sẽ sinh lợi? - Ảnh 2

Khái niệm khu đô thị thông minh có thể hiểu là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân. Điều này được định nghĩa nhờ sự hỗ trợ của khung quy hoạch đô thị tích hợp, có sự tham gia của các bên liên quan và sử dụng công nghệ, công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu tiên tiến. Hệ sinh thái này bao gồm các bên cung cấp giải pháp, bên thụ hưởng và hệ thống hạ tầng thông minh, khác biệt bởi khả năng đưa ra các quyết định trong thời gian thực cho tất cả các bên một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và kinh tế.

Kỳ vọng Chính phủ sẽ có quy định về cấp sổ hồng cho condotel, officetel trong quý 4

Hiệp hội BĐS TP.HCM đề xuất và kỳ vọng Chính phủ sẽ Chính phủ sẽ xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản trong quý 4 năm nay.

Trong đó, Hiệp hội đề xuất Chính phủ có quy định cấp sổ hồng Chính phủ có quy định cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho công trình xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án nhà ở như condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng), shophouse (nhà phố thương mại), serviced apartment (căn hộ dịch vụ), cũng như các loại sản phẩm bất động sản tương tự có thể phát sinh sau này.

HoREA đề xuất Chính phủ sẽ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai" sẽ có cơ chế xử lý đối với các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư, dự án nhà ở. 

Hà Linh (tổng hợp)

Theo Reatimes