Bất động sản 24h: Nhà đầu tư bất động sản tìm cửa 'hớt váng cá mập'

Nhà đầu tư bất động sản tìm cửa 'hớt váng cá mập'; Hàng loạt dự án “khủng” nằm trong kế hoạch đền bù, giải tỏa của TP. Đà Nẵng... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua,

Nhà đầu tư bất động sản tìm cửa 'hớt váng cá mập'

Từng rót hàng chục tỷ đồng vào mua đất đồi cà phê tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng năm 2020, với mục đích sẽ hiến đất làm đường dân sinh rồi phân lô diện tích lớn ra bán nền cho nhà đầu tư kiếm lời; tuy nhiên, ông N.Đ.Núi - một nhà đầu tư đến từ TP.HCM đã thất bại vì thị trương bất động sản nơi đây "vỡ bong bóng" sốt ảo. Dự án với cái tên được ông Núi đặt là "Vườn trên mây" giờ chỉ là bãi đất trống giữa đồi cà phê.

Ảnh minh họa  
Ảnh minh họa  
Giữa tháng 2/2021, ông Núi lại có thêm động lực để mong chờ rằng hàng chục tỷ đồng đầu tư vào việc mua đồi trồng cà phê năm 2020 của mình có thể bán được cho một nhà đầu tư nào đó để thoát lỗ khi thông tin Tập đoàn Novaland sẽ đầu tư một dự án bất động sản nghỉ dưỡng hàng ngàn ha tại TP. Đà Lạt. Thêm vào đó là Tập đoàn Hưng Thịnh Corp cũng sẽ về đây triển khai dự án bất động sản lớn để bán.

"Lúc đầu tưởng sẽ vỡ mộng làm giàu ở đây vì số tiền chôn vào việc mua đất đồi quá lớn, thị trường đã giảm nhiệt không còn nhiều giao dịch cũng như pháp lý hiện không được cấp, nhưng tôi tin khi mấy doanh nghiệp cá mập rục rịch triển khai dự án tỷ đô tại TP. Đà Lạt thì chắc dự án sẽ bán được cho một nhà đầu tư khác và sẽ có lời", ông Núi nói.

Hàng loạt dự án “khủng” nằm trong kế hoạch đền bù, giải tỏa của TP. Đà Nẵng

Thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng cho hay, có tổng cộng 249 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn được triển khai đền bù, giải tỏa trong năm 2021.

Theo đó, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký Quyết định số 476/QĐ-UBND về kế hoạch đền bù giải tỏa. Cụ thể, 249 dự án sẽ được chia làm 3 nhóm: Nhóm I/2018, nhóm I/2021 và nhóm II/2021.

Nhóm I/2018 gồm 17 dự án, là nhóm các dự án, công trình đã cam kết hoàn thành đền bù giải tỏa năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, thống nhất tiến độ gia hạn hoàn thành công tác đền bù giải tỏa đến 30/4/2021.

Nhóm I/2021 gồm 116 dự án là nhóm các dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án yêu cầu hoàn thành công tác đền bù giải tỏa trong năm 2021.

Nhóm II/2021 gồm 116 dự án là nhóm các dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công năm 2021 và năm 2022.

Thị trường nhà ở Hà Nội có triển vọng phục hồi tích cực sau nhiều biến cố

Năm 2021, thị trường nhà ở Hà Nội được kỳ vọng có nhiều triển vọng tích cực, phục hồi nhanh sau những biến cố dịch bệnh, nhưng mức độ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Từ 2015 đến 2020, thị trường Nhà ở Hà Nội trải qua 2 giai đoạn chính với những biến động mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những dấu hiệu tích cực trong 6 tháng cuối năm 2020 và diễn biến mới trong quý I/2021, năm nay được kỳ vọng là giai đoạn thị trường phục hồi, đồng thời tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các khách hàng trong nước.

Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Kinh doanh, Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Quốc tế, Savills Hà Nội đánh giá, nhìn chung, thị trường nhà ở ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung tại tất cả các khu vực của Hà Nội trong 5 năm vừa qua. Đáng chú ý, khu vực phía Tây Hà Nội thường chiếm tỉ lệ khoảng 60 - 70% toàn nguồn cung thị trường. Đây là khu vực năng động và tập trung đến 60% các cao ốc văn phòng của Hà Nội. Phía Đông cũng ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2019 và 2020 khi thị trường đón nhận một số dự án lớn. Khu vực trung tâm với quỹ đất đã cạn kiệt, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong nguồn cung.

Ông Thêm cho rằng thị trường nhà ở tại Hà Nội có thể chia làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ năm 2015 đến cuối 2018, thị trường đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các phân khúc và các loại hình sản phẩm nhà ở, đặc biệt với thị trường nhà ở thấp tầng với các sản phẩm có thương hiệu (branded residence). Sức hấp thụ trong giai đoạn này rất khả quan về cả giao dịch của khách Việt Nam và khách nước ngoài.

Vì sao có quy chuẩn an toàn lan can nhưng thương tâm vẫn xảy ra?

Mới đây nhất, vụ việc em bé gái rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Mặc dù đây là trường hợp hy hữu em bé được cứu sống nhờ một thanh niên đỡ được trước khi rơi xuống đất. Song, vấn đề thiết kế an toàn lan can chung cư tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh bảo, bởi trước đó, rất nhiều sự vụ thương tâm xảy ra với các em nhỏ rơi từ tầng cao xuống.

“Việc phổ biến các nội quy an toàn khi sử dụng các thiết bị, các tiện ích trong công trình cao tầng còn hạn chế”.

PGS. TS. Vũ Ngọc Anh nhận định.

Quy định thiết kế an toàn lan can chung cư vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều sự vụ đáng tiếc xảy ra.
Quy định thiết kế an toàn lan can chung cư vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều sự vụ đáng tiếc xảy ra.
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Trong quy chuẩn về an toàn cho nhà và công trình, Bộ Xây dựng đã quy định rất rõ lan can tối thiểu cao 1,4m. Lan can không được làm các chắn song ngang để các cháu bé hoặc người lớn có thể chèo lên đó nhảy ra ngoài”.

Tuy nhiên theo lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, dù những quy chuẩn và tiêu chuẩn đều đáp ứng đầy đủ nhưng, rất đáng tiếc khi các quy định khác như: Không được để các vật có chiều cao ở ngoài lan can như ghế, điều hòa, máy giặt... thì chưa được lưu tâm: “Nhiều trường hợp, người lớn sử dụng nhưng không dọn dẹp vật dụng để sát lan can, không chú ý tới trẻ nhỏ khiến các cháu trèo lên và vượt qua lan can. Đó là sự cố đáng tiếc”.

Bộ Xây dựng nói gì về việc "đút tiền" bốc thăm mua nhà ở xã hội

Liên quan đến phản ánh có hiện tượng một số dự án nhà ở xã hội đang được môi giới quảng cáo là đóng tiền, "tiền đây chắc là tiền đút" để chắc chắn bốc thăm được suất mua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, thứ nhất, toàn bộ các quy trình, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội được quy định đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là các nghị định có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 2/3.
Nội dung cụ thể là về đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 09 của Luật Nhà ở, có 8 đối tượng được mua.

Thứ hai, về quy trình, thủ tục thì được quy định tại Điều 62 của Luật Nhà ở, trong đó quy trình cụ thể chủ dự án sau khi xây dựng xong công trình thì các đối tượng được quyền mua sẽ có đăng ký và sau đó lập danh sách và danh sách này chuyển về Sở Xây dựng để kiểm tra, nếu như đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thương lượng, mua bán.

Hà Linh (tổng hợp)

Theo Reatimes