Bất động sản 24h: TP.HCM “xóa sổ“ nhà siêu mỏng

TP.HCM “xóa sổ“ nhà siêu mỏng; Giải pháp để thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh; Trái phiếu doanh nghiệp hút dòng tiền trong 2021?... là những tin tức bất động sản đáng chú ý 24h qua.

TP.HCM "xóa sổ" nhà siêu mỏng

"Mỗi khi mở rộng một con đường, TP.HCM lại xuất hiện thêm hàng chục và thậm chí hàng trăm căn nhà diện tích nhỏ. Những căn nhà này gây ra hình ảnh xấu xí cho đô thị TP", Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra thực trạng.

Theo Sở Xây dựng TP, việc xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu kỳ dị bắt đầu khi TP triển khai những dự án mở rộng đường. Xuất phát đầu tiên là một số công trình nhà ở nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5), sau đó là đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Võ Văn Kiệt (quận 5 và quận 6). Gần đây, nhiều đoạn đường được chỉnh trang, số nhà siêu mỏng, siêu nhỏ càng nhiều. Đứng đầu là đường Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6, quận 11 và quận Tân Phú), Phạm Văn Đồng, đường Bùi Đình Túy, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh)...

Thống kê từ Sở Xây dựng cho thấy hiện TP có trên 1.000 căn nhà diện tích siêu nhỏ do ảnh hưởng bởi các dự án mở rộng mặt đường, đầu tư hạ tầng...

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở trục đường Cách Mạng Tháng Tám trên địa bàn quận Tân Bình. Sau nỗ lực giải phóng mặt bằng để mở rộng mặt đường nhằm tiến hành xây dựng tuyến metro số 2, ghi nhận 86 căn nhà có diện tích dưới chuẩn, chiếm 23% tổng số căn nhà bị ảnh hưởng. Vị trí có nhà siêu nhỏ nằm tập trung nhiều nhất đoạn gần ngã tư Bảy Hiền.

Theo ghi nhận của phóng viên, có căn nhà bề rộng chỉ 0,7m và tổng diện tích chưa đến 12m2 do ông N.V.T sở hữu, đang được rao bán 4,5 tỷ đồng. "Diện tích nhỏ nhưng có thể mở cửa hàng cà phê di động, đại lý vé số hoặc treo bảng hiệu quảng cáo. Giá đó tôi cũng chưa muốn bán", ông T. tâm sự. Dò hỏi những căn nhà nhỏ lân cận cũng đều có giá không dưới 300 triệu đồng/m2...

Bất động sản 24h: TP.HCM “xóa sổ“ nhà siêu mỏng - Ảnh 1

Giải pháp để thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch

Từ những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam bắt đầu thực hiện chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ này, thị trường bất động sản bắt đầu được hình thành. Từ đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia; qua đó, các sản phẩm bất động sản phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, cơ cấu.

Chỉ tính riêng trong 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua 4 lần thay đổi trạng thái, cơ bản.

Giai đoạn 2009 - 2010: Là giai đoạn phát triển nóng, hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng trưởng nóng, chủ yếu do nới lỏng tín dụng.

Giai đoạn 2011 - 2013: Là giai đoạn trầm lắng, đóng băng, do ngân hàng siết chặt nguồn vốn và tiêu chuẩn tín dụng cho vay bất động sản.

Giai đoạn 2014 - 2019: Đây là giai đoạn mà thể chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tiếp tục được hoàn thiện, với khoảng 40 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: 2 Luật (Luật Nhà ở năm 2014; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014); 7 Nghị định của Chính phủ, 2 Chỉ thị và 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng 24 Thông tư hướng dẫn. Đồng thời, còn có nhiều đạo luật quan trọng liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. 

Năm 2020: Từ đầu năm 2020, Việt Nam và hầu khắp các nước trên thế giới đã phải trải qua đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên đến nay, thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố riêng biệt...

Bất động sản 24h: TP.HCM “xóa sổ“ nhà siêu mỏng - Ảnh 2

Trái phiếu doanh nghiệp hút dòng tiền trong 2021?

Năm 2020, thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 446 nghìn tỷ đồng được huy động qua kênh riêng lẻ, công chúng và quốc tế, tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2019. Kỳ hạn bình quân là 4,27 năm, lãi suất bình quân là 9,3%/năm. Nhóm bất động sản chiếm 42% lượng trái phiếu phát hành, đạt 184,6 nghìn tỷ đồng, tiếp sau đó là nhóm ngân hàng với134,6 nghìn tỷ đồng huy động được, tỷ lệ 31%.

Trong quý IV, sau khi nghị định 81/2020/NĐ-CP đi vào hiệu lực từ tháng 9/2020, hoạt động phát hành TPDN đã giảm đáng kể trước khi hồi phục trở lại trong tháng 12. Tổng cộng trong quý có 94,6 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành qua các kênh riêng lẻ, công chúng và quốc tế, giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 270 triệu USD TPDN được phát hành ra thị trường quốc tế.

Tổng cộng trong cả năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành thành công 445,9 nghìn tỷ đồng TPDN ra thị trường, tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2019. Riêng quý IV nhóm Ngân hàng với lượng trái phiếu huy động lên tới 184,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% tổng lượng trái phiếu phát hành. Nhóm đứng thứ 2 về mặt khối lượng trái phiếu phát hành là các ngân hàng. Tính trong năm 2020, có 19 ngân hàng khác nhau huy động được 134,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tỷ lệ 31%.

Sóng F0 và một thị trường chứng khoán “cảm xúc”

8 tháng trước, Lan Anh, một phụ nữ bán hàng online đã quyết định rút một phần tiết kiệm, bỏ dồn vào chứng khoán. Toàn bộ lãi của những tháng bán hàng online sau đó đều được người phụ nữ này chắt chiu để mua cổ phiếu.

“Tôi chỉ mua cổ phiếu của doanh nghiệp lớn như Vinamilk hoặc công ty bất động sản của Vingroup”, Lan Anh nói. “Bạn bè tôi bảo cứ bỏ vào công ty lớn thì chắc chắn sau này có lãi. Không mua bây giờ sẽ mất đi cơ hội kiếm tiền. Nếu không bán được sớm thì để 2 - 3 năm cũng có lãi lớn”.

Cũng như chị Lan Anh, anh Nguyễn Thanh Trường, 31 tuổi (Hà Nội), một người đàn ông lái xe taxi hơn 5 năm qua cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, mỗi ngày anh đều không bỏ qua lịch trình: Mỗi sáng hay mỗi chiều truy cập vào phần mềm chứng khoán, anh bắt đầu học đầu tư chứng khoán. Mỗi khi rảnh rỗi không có khách, anh lại đọc thêm thông tin từ các nhà đầu tư chứng khoán trong nhóm để theo dõi thị trường.

Lãi suất ngân hàng sụt giảm mạnh chỉ dao động ở ngưỡng 3,5 - 4,5% đã không còn đủ sức níu kéo tâm lý “an toàn” của những người có tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, Covid-19 đã khiến nhiều mã cổ phiếu tụt dốc không phanh, nhưng cũng trở thành cú hích nâng giá cho không ít mã cổ phiếu. Khả năng kiếm lời lớn đã khiến những người như chị Lan Anh hay anh Thanh Trường không ngần ngại rút khoản tiền tiết kiệm bỏ vào chứng khoán...

Bất động sản 24h: TP.HCM “xóa sổ“ nhà siêu mỏng - Ảnh 3

Ngày Vía Thần Tài: Dân kinh doanh bất động sản đổ xô mua vàng cầu may

Vào ngày Vía Thần Tài, nhiều người quan niệm đi mua vàng là để lấy may nên giá dù có đắt hơn một chút cũng chấp nhận được. Đặc biệt, giới đầu tư kinh doanh bất động sản cũng đổ xô đi mua vàng dịp đầu năm để cầu tài, cầu lộc.

Cầm trên tay sản phẩm nhẫn tròn trơn vừa mua tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, anh Nguyễn Văn Dương (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội), một nhà đầu tư bất động sản vui vẻ cho biết: “Tôi luôn quan niệm mua vàng ngày Vía Thần Tài là để lấy may nên cũng không quan tâm nhiều đến giá, giá nào cũng được miễn là đầu Xuân năm mới vui vẻ để lấy lộc làm ăn liên quan đến đất cát”.

Theo chia sẻ của anh Dương, dịp Thần Tài năm nào anh cũng đi mua vàng cầu may. Năm 2020, mặc dù kinh tế cũng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng anh Dương vẫn mua đầu tư thêm được 2 căn chung cư ở quận Cầu Giấy và Thanh Xuân (Hà Nội). Ngoài ra, anh Dương cũng đã tìm hiểu đầu tư nhiều sản phẩm khác như đất nền, shophouse ở một số khu vực vùng ven Hà Nội. Anh Dương hy vọng, năm 2021, thị trường bất động sản khởi sắc và anh có thể bán được một số sản phẩm bất động sản đã mua.

Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh vàng bạc, dịp Thần Tài năm 2021, lượng khách hàng đến mua bán vẫn tương đương và thậm chí nhích hơn so với năm ngoái. Khi dịch bùng phát, tâm lý người dân cũng bất an nhưng mọi người vẫn đến mua chỉ vàng để lấy sự may mắn đầu năm, cầu cho một năm mới bình an, may mắn và tốt hơn so với năm ngoái.

Bất động sản 24h: TP.HCM “xóa sổ“ nhà siêu mỏng - Ảnh 4

Linh Chi (tổng hợp)

Theo Reatimes