Thị trường văn phòng và bán lẻ Hà Nội “khốn đốn” vì Covid-19

Thị trường văn phòng và thị trường bán lẻ Hà Nội đều chịu các tác động của đại dịch Covid-19 khi nhiều dự án văn phòng đẩy lùi kế hoạch mở cửa sang quý sau hay một vài trung tâm thương mại phải hoãn kế hoạch khai trương đến nửa cuối năm.

Nhiều dự án văn phòng lùi kế hoạch mở cửa

Theo báo cáo của JLL, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến nhiều dự án văn phòng đẩy lùi kế hoạch mở cửa sang quý sau, tổng nguồn cung văn phòng toàn thị trường Hà Nội tính đến hết quý 2/2021 đạt khoảng 3 triệu m2. Tỷ lệ trống  chủ yếu đến từ các tòa nhà mới vận hành từ năm 2020.

Đối với phân khúc hạng A, nhu cầu chủ yếu đến từ các công ty công nghệ, thương mại điện tử, xây dựng và hóa chất với những giao dịch thuê lớn từ 500-1.000 m2. Đáng chú ý trong số đó là giao dịch mở rộng văn phòng hơn 2.000 m2 của Công ty Thương mại Điện tử Shoppe tại tòa nhà Capital Place. Trong khi đó, nhờ mức giá thuê hấp dẫn, các tòa nhà hạng B tại khu vực phía Tây thành phố như Cầu Giấy và Đống Đa cũng ghi nhận nhiều giao dịch lớn đến từ các công ty công nghệ thông tin, phần lớn phục vụ cho nhu cầu mở rộng và dời địa điểm.

Giá thuê trung bình (chưa bao gồm VAT và phí quản lý) của tòa nhà hạng A và hạng B ghi nhận ổn định ở mức 18,7 USD/m 2/tháng (tương đương với 430.500 VNĐ). Phần lớn các tòa nhà hiện nay đều giữ mức giá chào thuê ổn định hoặc giảm nhẹ do áp lực từ tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến khách thuê thắt chặt tài chính. Bên cạnh đó, các chủ nhà ở những tòa nhà mới hiện đang có diện tích trống lớn vẫn đưa ra các ưu đãi thuê và điều khoản thuê linh hoạt để thu hút khách thuê mới trong giai đoạn khó khăn này.

Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến nhiều dự án văn phòng đẩy lùi kế hoạch mở cửa sang quý sau.  
Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến nhiều dự án văn phòng đẩy lùi kế hoạch mở cửa sang quý sau.  

Trong nửa cuối năm 2021, thị trường sẽ chào đón khoảng 117.000 m2 sàn văn phòng đến từ dự án TechnoPark Tower tại huyện Gia Lâm.  Trong 6 tháng tới, tỷ lệ trống của hạng A và hạng B có thể tiếp tục tăng do nguồn cung lớn đến từ các tòa nhà mới. Do đó, giá thuê thuần trung bình được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ nhằm thúc đẩy diện tích hấp thụ trong ngắn hạn và trung hạn.

Một số trung tâm thương mại hoãn khai trương

Cũng theo báo cáo của JLL, thị trường bán lẻ Hà Nội khá im ắng trong quý này do không có nguồn cung mới nào gia nhập thị trường. Tình hình dịch bệnh phức tạp cùng với chính sách giãn cách xã hội đã khiến một vài trung tâm thương mại phải hoãn kế hoạch khai trương đến nửa cuối năm. Do vậy, tính đến quý 2/2021, tổng nguồn cung của thị trường bán lẻ Hà Nội giữ ổn định với con số 962,000 m2 sàn cho thuê ở các trung tâm thương mại.

Quý 2/2021, nguồn cung thị trường bán lẻ “im ắng”.  
Quý 2/2021, nguồn cung thị trường bán lẻ “im ắng”.  

Đa số các trung tâm thương mại trọng điểm tại Hà Nội ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 90%, tỷ lệ trống giữ vững ở mức 9,4% tính đến hết quý 2/2021. Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến các giao dịch mới trong quý này chủ yếu là các giao dịch nhỏ và vừa, phần lớn diễn ra tại khu vực trung tâm, bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng. Chính vì vậy, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại ở khu vực này tăng nhẹ và đạt 88,4% trong quý 2/2021. Trái lại, tỷ lệ lấp đầy đầy của các trung tâm thương mại tại khu vực ngoài trung tâm (bao gồm tất cả các quận huyện ngoại trừ các quận thuộc khu vực trung tâm) đạt 90,9%, giảm nhẹ 0,1% theo quý do một vài thương hiệu trả lại mặt bằng.

Thực tế các giao dịch trong quý 2/2021 cho thấy thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn duy trì sức hút đối với các thương hiệu nước ngoài. Giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại trọng điểm tại Hà Nội đạt 32,25 USD/m2/tháng (tương đương với 742.000 VNĐ), tăng 1,1% theo quý ở khu vực trung tâm là 62,8 USD/m2/tháng (tương đương với 1.445.000 VNĐ) và không thay đổi tại khu vực ngoài trung tâm với 28,6 USD /m2/tháng (tương đương với 658.000 VNĐ). Một số chủ nhà đang áp dụng chính sách miễn tiền thuê hoặc giảm giá theo mức độ ảnh hưởng để hỗ trợ các nhóm khách hàng chịu thiệt hại nặng, thông thường là ngành hàng Ăn uống và Vui chơi – Giải trí.

Triển vọng nửa cuối năm 2021, thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến chào đón 76.165 mét vuông sàn cho thuê, trong đó nổi bật nhất là trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City ở quận Nam Từ Liêm. Việc khai trương các trung tâm bán lẻ trong năm 2021 đã bị trì hoãn nhiều lần do đại dịch và vì vậy sẽ còn tùy thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong sáu tháng tới. Giá thuê được dự kiến sẽ giữ ổn định đến cuối năm và được kỳ vọng sẽ hồi phục từ năm 2022 sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

An Nhiên

Theo Kinh doanh & Phát triển