Bất động sản công nghiệp ngược sóng thị trường được nhiều doanh nghiệp săn đón
Giới chuyên gia nhận định, bất động sản công nghiệp là điểm sáng hiếm hoi của thị trường bất động sản năm 2023, sôi nổi nhất tại hai đầu Bắc Bộ và Nam Bộ với một số khu vực kinh tế tiêu biểu như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và được nhiều người săn đón.
Tại thị trường Việt Nam, Bất động sản công nghiệp vẫn đạt công suất hoạt động cao cùng nhiều dự án mới tiềm năng được triển khai. Dự báo là “điểm sáng" hiếm hoi của thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian gần đây, BĐS công nghiệp có nhiều dư địa và cơ hội phát triển cả trong ngắn, trung và dài hạn.
Điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư
Theo các chuyên gia, so với một số nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử cũng chọn Việt Nam là điểm đến.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang trở thành địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất. Đà tăng nguồn vốn FDI từ các tập đoàn nước ngoài gấp nhiều lần trong thập niên qua là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt là lĩnh vực điện tử và năng lượng, như một số tên tuổi lớn Apple, Quanta, Samsung và LG với những khoản đầu tư vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD trong thời gian tới.
Goertek – một trong những đối tác lớn nhất của Apple – đã ký kết biên bản ghi nhớ thuê lại 62,7 ha tại Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh, Bắc Ninh. Một đối tác sản xuất linh kiện lớn khác của “táo khuyết” là Foxconn cũng ký hợp đồng thuê khu đất 45 ha tại Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang với giá 62,5 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất. Hợp đồng thuê kéo dài đến tháng 2/2057.
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc (EV) BYD Auto Co có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô nhằm giảm sự phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc và tăng thêm chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á như một phần của chiến lược mở rộng toàn cầu. Cùng nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng lựa chọn Việt Nam là điểm dừng chân trong chiến lược phát triển dài hạn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 563 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 KCN đã được thành lập; 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58,7 nghìn ha. Ngoài ra còn có 106 KCN đang trong quá trình xây dựng với diện tích đất công nghiệp khoảng 23,8 nghìn ha.
Savills Việt Nam dự báo nhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục cao trong năm nay, trong đó, điểm đáng chú ý là xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), logistics (kho bãi hậu cần), data centers (trung tâm dữ liệu),...
Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills, khẳng định thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.
Tại Diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023", PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%...
Còn tồn tại nhiều lực cản
Tuy nhiên, dù nhìn thấy nhiều tiềm năng phát triển thị trường bất động sản khu công nghiệp nhưng nhìn nhận thực tế thì vẫn còn tồn tại nhiều lực cản khiến thị trường chưa thể phát triển đột phá trong giai đoạn này.
Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam, chia sẻ: các nhà đầu tư bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn về mặt thể chế và pháp lý, đặc biệt là các quy định của luật đất đai. Được biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ sửa đổi luật pháp, cho phép nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư bất động sản tiếp cận nguồn quỹ đất. Đẩy nhanh tiến trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy thị trường phát triển.
Ngoài ra, vấn đề về nguồn cung mới cũng là trở ngại khi dự báo ở cả 2 niềm Nam – Bắc sẽ tiếp tục khan hiếm từ nay cho đến cuối năm 2023. Riêng tại niềm Nam, thời gian khan hiếm có thể kéo dài đến năm 2026.
Còn theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) phân tích, "lực cản" đầu tiên với sự phát triển của bất động sản công nghiệp là khâu giải phóng mặt bằng. Cụ thể, mặt bằng giải phóng chậm, các dự án KCN còn thiếu dịch vụ phục vụ cuộc sống của người lao động, hạ tầng kỹ thuật thiếu tính động độ, tiêu chuẩn nhà xưởng còn thấp….
Bên cạnh đó, cần phải công khai thông tin quy hoạch KCN đồng bộ cần được công khai, minh bạch trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương để các nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu, nắm bắt cơ hội đầu tư.
Lực cản thứ hai là hạ tầng giao thông kết nối chưa được đồng bộ, cần phải đẩy mạnh, chú trọng đầu tư để tăng năng lực cạnh tranh.
Lực cản thứ ba là thủ tục cấp giấy phép, giải quyết các vướng mắc thủ tục đất đai như bồi thường, giải phóng mặt bằng vốn làm kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí pháp lý.
Các địa phương cần phải xác định và ưu tiên các KCN phù hợp với định hướng, đạt chỉ tiêu hạn chế lượng phát thải, mức tiêu thụ năng lượng,... hạn chế tác động đến môi trường, giảm sức ép cho hạ tầng.