Bất động sản liệu có xảy ra "bong bóng"?

Theo nhiều các chuyên gia trong ngành, kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu mua nhà và đầu tư sẽ tăng trở lại trong năm 2021.

Bất động sản liệu có xảy ra "bong bóng"? - Ảnh 1

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, nhìn lại thị trường BĐS thời điểm năm 2007-2008 bong bóng BĐS xảy ra ở thị trường thứ cấp. Giá bán được đẩy lên cao ở thị trường thứ cấp và nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều.

Còn hiện tại, mức giá được quyết định bởi thị trường sơ cấp (các chủ đầu tư làm ra sản phẩm để bán). Ngay cả một số khu vực như Thủ Thiêm, giai đoạn 20015-1016 giá bán 2.800 USD-2900 USD/m2 đã cao nhưng nay đã tăng 6.000-7.000 USD/m2, xuất phát ở thị trường sơ cấp chứ không phải thứ cấp.

Vì thế, ông Kiệt cho rằng, thị trường BĐS hiện nay khó có thể gặp tình huống như năm 2007-2008.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam đánh giá, thị trường giai đoạn 2019-2020 khác hoàn toàn so với thời điểm 2008-2009 khi thị trường xuất hiện bong bóng tăng trưởng ảo vì thời điểm đó nhiều doanh nghiệp đi vay và thế chấp tài sản ảo, chưa đủ pháp lý.

Vì vậy, khi có nợ xấu, Ngân hàng muốn xử lý nợ xấu nhưng không thể thực hiện, chủ doanh nghiệp không thể trả được nợ, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia mua lại dự án cũng không thể thực hiện được. Đó là sự bế tắc của thị trường thời điểm đó. Còn hiện nay, kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu mua nhà và đầu tư sẽ tăng trở lại. Dự báo sức cầu hồi phục của thị trường sẽ tương đương 70% của năm 2019. Vì thế, theo bà Vân Khanh, không quá lo ngại xảy ra bong bóng BĐS.

Bất động sản liệu có xảy ra "bong bóng"? - Ảnh 2

Ảnh: Hạ Vy

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhận định, năm 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền trong kỳ mới sau đại hội sẽ có các biện pháp thúc đẩy các dự án BĐS để tạo nguồn cung cho địa phương, nguồn cung sẽ dồi dào và phong phú hơn.

Theo đó, thị trường BĐS năm 2021 khó có nguy cơ ảo hay bong bóng, ngược lại sẽ bền vững hơn năm 2020. Thị trường có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững. Đầu tư BĐS du lịch sẽ không chỉ dừng lại ở phía biển mà còn gần hơn với khu rừng núi.

Cũng theo ông Đính, giá BĐS năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020. Động thái tích cực từ cơ quan chính phủ trong năm 2021, có thể thấy có các động thái quyết liệt để cởi trói cho thị trường. Vốn FDI sẽ đổ mạnh vào Việt Nam. Quản lý doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ đều có những bài học được rút ra từ cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020 vì vậy sẽ hiệu quả hơn.

Còn chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, BĐS TP Hồ Chí Minh sẽ có thể điều chỉnh giảm giá một thời gian nhưng sẽ không quá lo ngại sẽ xảy ra bong bóng.

Theo vị chuyên gia này, nếu nhìn từ góc độ thu nhập của người dân thì có thể nói giá BĐS ở TP Hồ Chí Minh khá cao so với thu nhập. Tuy nhiên, vì nhu cầu BĐS ở Việt Nam vẫn lớn nên nhà đầu tư vẫn chọn kênh đầu tư BĐS. Khi nhiều nhà đầu tư chọn BĐS sẽ khiến lực cầu lớn, có những giai đoạn tăng giảm giá, nhưng lo lắng về vấn đề sụp đổ giá là không có. Do đó, không quá lo ngại sẽ xảy ra bong bóng BĐS.

Theo ông Hiển, giá BĐS là vấn đề thuận mua, vừa bán. Nếu có người “đẩy” giá mà không có người mua thì cũng không “đẩy” được. Vì thế, việc lo bong bóng BĐS ở TP Hồ Chí Minh là lo hơi xa. BĐS ở TP Hồ Chí Minh năm 2021 sẽ tương tự như năm 2020 nhưng có tiến triển hơn chút.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, nguồn cung ở TP Hồ Chí Minh năm 2021 vẫn tiếp tục khó cải thiện. Có 2 lý do, đó là những dự án đang kẹt về pháp lý đang được xử lý, không thể một sớm một chiều mà có thể hoàn thiện được. Thứ hai, những nhà phát triển muốn lấy đất ở TP Hồ Chí Minh để lập dự án cũng gặp khá nhiều khó khăn chứ không dễ dàng nên cần thời gian, do đó không có nguồn cung đột biến, mà nguồn cung sẽ đến từ từ.

Hạ Vy

Theo Kinh doanh và Phát triển