Bất động sản nghỉ dưỡng đón cơ hội phục hồi?
Có lễ câu chuyện về sự phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng luôn gắn liền với động lực phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Những chính sách thông thoáng từ phía Chính phủ đối với ngành du lịch trong thời gian vừa qua được kỳ vọng sẽ kích thích sự phục hồi và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nghỉ dưỡng trong năm nay và những năm sau đó.
Năm buồn đã đi qua
Theo Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2023, sản phẩm bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng giảm hơn 80% so với năm 2022, thanh khoản sụt giảm, giao dịch thành công trên toàn thị trường thấp. Bên cạnh nhiều dự án bị vướng pháp lý, thì chủ đầu tư trì hoãn thời gian triển khai bán, nhất là những sản phẩm có giá trị cao, tránh sự cạnh tranh trực tiếp từ các sản phẩm cắt lỗ, chờ sự hồi phục, nên sản phẩm đưa ra thị trường vẫn không đạt như kỳ vọng. Sản phẩm hiện có chủ yếu là các dự án căn hộ biển rải rác cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam (tập trung ở những thành phố biển như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng…).
Về phía cầu đầu tư, niềm tin giảm khi nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận nên tốc độ giao dịch chậm. Các hoạt động kinh doanh nhà hàng khách sạn tại các khu vực nghỉ dưỡng, điểm du lịch địa phương chưa hiệu quả. Ngành du lịch địa phương chưa có những chính sách, chương trình thu hút khách du lịch trở lại như thời gian trước đại dịch COVID-19, hay đúng hơn là chưa có chiến lược phát triển du lịch lâu dài đủ để các nhà đầu tư BĐS tham gia.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế - gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.
Bên cạnh đó, thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả tổng cung và tổng cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như pháp lý, thủ tục hành chính và khơi thông nguồn vốn...
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, khung pháp lý vẫn là trở ngại lớn của bất động sản nghỉ dưỡng, ngay cả Nghị định 10/2023 của Chính phủ nhằm cởi trói vấn đề cấp sổ hồng từng được kỳ vọng trở thành đòn bẩy giúp bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
"Nghị định 10/2023 ra đời với quan điểm cởi trói pháp lý trực diện cho bất động sản nghỉ dưỡng, tháo gỡ khó khăn cho loại hình này trên cả nước đã vướng mắc trong nhiều năm. Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt, địa phương cũng ủng hộ mạnh mẽ, nhưng sự thống nhất chung giữa Luật và Nghị định vẫn gặp vướng. Hơn thế, Nghị định chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa có địa phương nào ứng dụng được. Từ điểm nghẽn đó khiến cho nhà đầu tư không muốn tham gia vào thị trường này vì tính rủi ro cao", ông Đính nhận định.
Cũng nhìn nhận, đánh giá về thị trường, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho rằng sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt nguồn cầu quốc tế đã thúc đẩy hoạt động bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng phát triển. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư rất vội vàng tham gia thị trường khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định, dẫn đến chênh lệch cung - cầu tại một số điểm đến. Bên cạnh đó, còn cả tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng ở vài dự án. Vì vậy, từ việc thiếu cân nhắc đến các yếu tố đặc điểm của thị trường, xu hướng đã dẫn đến rủi ro cho sản phẩm.
Du lịch được kỳ vọng là động lực dành cho bất động sản nghỉ dưỡng
Với những nỗ lực nhằm giữ chân và thu hút khách du lịch đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cho bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024.
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư VARS, nhận định: Năm 2024, hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch gồm: chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng, cùng chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức, sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường. Dự kiến nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.
Đặc biệt, liên quan đến Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng… thời gian tới có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại. Ngoài ra kết hợp với chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc và chính sách thu hút khách du lịch như khách Trung Quốc, cùng các kết quả ngoại giao xuất sắc khác ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là tín hiệu đẩy lực cầu lên cao hơn.
Theo Savills Hotels, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi nguồn cầu đang dần khôi phục với tốc độ ổn định, bao gồm thị trường khách nội địa và khách quốc tế, qua đó giúp củng cố niềm tin vào ngành nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang trong quá trình tái khởi động khi trong một vài tháng qua.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết với lợi thế hạ tầng kết nối và đa dạng sản phẩm du lịch và lựa chọn lưu trú, thành phố Đà Nẵng được kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi. Các điểm đến vốn quen thuộc với khách nội địa như: Quy Nhơn hoặc Phú Yên cũng ngày càng có nhiều dự án đang hoạch định, đồng thời những địa phương này cũng đang chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và các sản phẩm lưu trú cao cấp để thu hút thêm tệp khách quốc tế.
"Dự báo đến quý II/2024, lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng khó có sự đột biến. Sau mốc thời gian này, thị trường sẽ cải thiện hơn nhờ những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Nhà nước thông qua sửa đổi một số luật", ông Mauro Gasparotti nhận định.