Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thấy "cửa sáng"

Đã có nhiều chính sách được ban hành tạo cú huých cho thị trường du lịch Việt Nam qua đó tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng được phục hồi. Tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn trong đà trầm lắng, ít giao dịch và ít cả nguồn cung. Chuyên gia nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn, và thậm chí là phân khúc phụ hồi muộn nhất trong các phân khúc bất động sản.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn trong trạng thái ngủ đông

Các loại hình sản phẩm liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng gồm biệt thự, nhà phố/shophouse, condotel đang tiếp tục đối diện với muôn vàn khó khăn khi thanh khoản thấp, hàng tồn kho cao. Tổng hợp từ các đơn vị nghiên cứu cho thấy, thị trường bất đông sản nghỉ dưỡng vẫn trầm lắng, giao dịch khiêm tốn, thậm chí có những tháng trắng giao dịch khiến nhiều Chủ đầu tư đuối sức, không còn muốn đưa ra thị trường những sản phẩm mới nữa.

Các thủ phủ du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… chứng kiến cảnh nhiều nhà mặt phố đóng cửa, treo biển cho thuê… dẫu đang mùa cao điểm du lịch. Nhiều chủ sở hữu cơ sở kinh doanh du lịch đã phải tháo vốn hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh. Còn với những đơn vị vận hành chuyên nghiệp, tình hình khai thác cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng cũng gặp khó khăn không kém.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thấy "cửa sáng" - Ảnh 1

Diễn biến mới nhất về thanh khoản của thị trường bất động sản trong tháng 8/2023 trên phạm vi cả nước có nhiều bất lợi bởi thị trường tiếp tục trầm lắng và nguồn cung mới vẫn trong xu hướng giảm từ cuối quý II/2022 đến nay.

Từ trước đến nay, phân khúc condotel thường có tệp khách hàng đông nhất do có giá cả vừa phải, phù hợp với túi tiền của nhiều người, thì nay cũng thưa dần. Theo bộ phận R&D của DKRA Group, sức cầu thị trường của phân khúc này trong tháng 8 vẫn còn khá thấp, chỉ tương đương 14% so với cùng kỳ năm 2022

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group cho biết, khi thị trường lao dốc, sản phẩm bất động sản có giá trị lớn càng khó giao dịch. Tình trạng này đang diễn ra với biệt thự nghỉ dưỡng, khi lượng tiêu thụ tháng 8 vừa qua chỉ bằng 15% so với cùng kỳ, dù nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40 - 50%. Một vài giao dịch trong tháng tập trung chủ yếu ở những sản phẩm có mức giá tương đối mềm, dưới 10 tỷ đồng/căn. Giá bán sơ cấp không biến động so với tháng trước.

Trầm lắng nhất có lẽ là nhà phố/shophouse, bởi cùng thời gian với hai phân khúc condotel và biệt thự, nhưng theo DKRA Group, nguồn cung mới lại giảm xấp xỉ 99% so với cùng kỳ và tập trung cục bộ tại khu vực miền Nam. Riêng miền Bắc và miền Trung vẫn vắng bóng dự án mở bán mới. Sức cầu thị trường ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ còn hạn chế, bằng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Sự ảm đạm của thị trường cùng với đó là tốc độ phục hồi du lịch chưa đạt kỳ vọng khiến thanh khoản thị trường khá thấp.

Đánh giá tình hình thị trường của những tháng tới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, tuy nguồn cung và sức cầu của bất động sản nghỉ dưỡng có sự hồi phục nhưng không đáng kể. Điều này cho thấy, sự khó khăn của các chủ đầu tư trong lĩnh vực này ở phía trước vẫn còn nhiều, khi dòng tiền thu từ bán hàng không được bao nhiêu, trong khi sản phẩm tồn kho ngày càng tăng.

Do đó, ngoài việc chờ đợi sự hồi sinh của toàn thị trường, các chủ đầu tư cần đưa ra chính sách bán hàng với giá cả phù hợp, thanh toán linh hoạt, giãn tiến độ, hỗ trợ lãi suất tốt để tăng kích cầu. Càng “sân si” với thị trường và khách hàng lúc này, chủ đầu tư càng khổ.

Tìm cơ hội trong bối cảnh thị trường khó

Trong suốt thời gian qua, Chính phủ, Nhà nước đã nỗ lực kích cầu du lịch Việt Nam như các chính sách về du lịch được mở rộng, visa cởi mở tăng số ngày lưu trú kể từ ngày 15/8. Đồng thời, các hãng hàng không sẽ tăng chuyến với giá vé linh hoạt, nhiều cơ sở lưu trú trên cả nước cũng sẽ giảm giá sâu cho du khách trải nghiệm nghỉ dưỡng cao cấp với giá ưu đãi mùa cao điểm cuối năm.

Cụ thể như Việt Nam đã đưa ra các quy trình cấp visa nhằm tạo động lực để du lịch đón được nhiều thị trường khách tiềm năng hơn như Ấn Độ, châu Âu. Các chuyên gia nhận định, những thay đổi trong chính sách nới lỏng thị thực bắt đầu được triển khai từ 15/8 chưa tạo ngay kết quả trong thời gian ngắn, nhưng chắc chắn sẽ tác động tích cực tới ngành du lịch, đưa thị trường khai thác bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2024. Theo dữ liệu báo cáo mới công bố đầu tháng 8 của HSBC cho thấy sự hồi phục dần của dòng khách quốc tế, ghi nhận 1 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 7, tăng 6,5% so với tháng trước.

Nhiều chính sách được đưa ra giúp phục hồi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.  
Nhiều chính sách được đưa ra giúp phục hồi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.  

Một loạt các chính sách mới của Chính phủ về du lịch, gỡ khó thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, cũng đang tác động tích cực tới ngành “công nghiệp xanh” tại Việt Nam nói chung và thị trường khai thác du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.

Hay như các quyết sách quan trọng được ban hành để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, bao gồm Nghị quyết số 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có đề cập đến việc cấp chứng nhận sở hữu cho một số loại hình bất động sản như condotel, officetel… Ngoài ra, một loạt động thái khác như sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… cũng đang được tiến hành. Tổ công tác gỡ khó cho thị trường cũng đã được thành lập.

Sự quyết tâm của Chính phủ cùng những quy định mới này được đánh giá giúp dần khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, “tiếp sức” cho đà tăng trưởng cho phân khúc này thời gian tới.

Ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách gỡ vướng chưa đủ làm “tan băng” bất động sản nghỉ dưỡng và phải mất ít nhất 3 năm mới tìm lại thế cân bằng cho phân khúc này. Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản miền Trung đánh giá, dù quy định về việc cấp sổ đỏ cho một số loại hình bất động sản mới đã được ban hành, trong đó có các tài sản nghỉ dưỡng, nhưng quá trình triển khai trên thực tế luôn có độ trễ. Mặt khác, những vướng mắc về pháp lý, sự khó khăn tài chính… vẫn hiện hữu khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc hoàn thành và bàn giao dự án cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng.

Còn theo bà Nguyễn Tố Uyên – Trưởng bộ phận Tư vấn Savills Hotels cho biết, trước khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trong đó lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình 16.9%/năm trong giai đoạn 2009-2019. Tốc độ tăng trưởng lượt khách là một trong những động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng. “Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng dù khó khăn nhưng đang có nhiều cơ hội để phát triển. Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng thị trường cũng như mong đợi một năm nhiều tín hiệu khởi sắc cho ngành nghỉ dưỡng”.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển