Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023
Từ những vướng mắc về pháp lý cùng những khó khăn về dòng tiền lại chịu phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành du lịch đã khiến bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam “ngủ đông” trong suốt một thời gian dài. Phân khúc này được dự báo vẫn sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 này.
Nhiều người không còn mặn mà với bất động sản nghỉ dưỡng
Trong những năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn luôn là kênh đầu tư tiềm năng mang lại lợi nhuận rất cao cho các nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp bất động sản kinh doanh loại hình này. Tuy nhiên, từ sau đợt dịch Covid-19, loại hình này “chững lại” và chịu chung cảnh không có thanh khoản thị trường cũng như lượng khách hàng cũng như các phân khúc khác.
Theo thống kê của DKRA Group thanh khoản của bất động sản nghỉ dưỡng đang rất hạn chế, một số chủ đầu tư đã phải đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30 - 40% giá bán nhằm kích cầu thị trường.
Về nguồn cung, trong hai tháng đầu năm 2023, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng chỉ có 3 sản phẩm mới ra thị trường, giảm tới 99,2% so với cùng kỳ. Cùng đó, thị trường chỉ ghi nhận 1 giao dịch của dòng sản phẩm này.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp, lượng giao dịch ghi nhận mức thấp nhất trong 10 năm qua. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của phân khúc đang dần bị mất đi, nhiều người dường như không còn mặn mà với phân khúc này nữa.
Riêng đối với loại hình nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng cũng chỉ có 6 căn mới được ra mắt thị trường. Trong khi đó, không có giao dịch phát sinh trong 2 tháng đầu năm. Còn về dòng sản phẩm condotel, theo thống kê của DKRA trong 2 tháng đầu năm không ghi nhận dự án mở bán mới.
Lý giải về sự chững lại của bất động sản nghỉ dưỡng, DKRA cho biết, trước áp lực về lạm phát, lãi suất cũng như nguồn vốn tín dụng bị tắc nghẽn chưa được tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư có tâm lý thận trọng khi đưa sản phẩm ra thị trường và liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do chưa đạt lượng booking như kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến thị trường trầm lắng như hiện nay.
Tiếp tục gặp khó trong năm 2023?
Năm 2023, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức về tính thanh khoản, khả năng khai thác dòng tiền còn nhiều rủi ro, và đặc biệt là rào cản pháp lý. Các chuyên gia cho rằng, nếu chuẩn hóa tốt hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của phân khúc này.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - cho rằng, thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến sự thanh lọc mạnh mẽ. Một số phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch… gặp khó khăn khi dòng tiền bị siết chặt, trong khi những dự án của chủ đầu uy tín, pháp lý đầy đủ và các sản phẩm thanh khoản cao sẽ tiếp tục nhận được sự chú ý của nhà đầu tư.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng cẩn trọng và khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, yếu tố pháp lý, chính sách bán hàng và tầm giá sẽ càng được quan tâm.
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà toàn cầu (Global Home), cho biết du lịch biển duyên hải miền Trung sống nhờ du khách, trong đó có lượng lớn là khách Trung Quốc. Lượng khách đông đảo sẽ giúp tạo lực đẩy, sức hút cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy khi Trung Quốc mở cửa sẽ tăng lượng khách du lịch, tăng giá trị khai thác bất động sản nghỉ dưỡng, tạo thanh khoản tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Thành, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm này vẫn rất khó khăn. Ba cái khó là trải qua dịch bệnh kéo dài khiến mất đi nhu cầu du lịch. Thứ hai, tình hình tài chính còn gặp nhiều thách thức. Thứ ba, khung pháp lý cho loại hình này chưa hoàn chỉnh.
“Việt Nam cần chuẩn bị tốt hình ảnh từ cửa khẩu biên giới, hàng không… để đón khách. Cần có đường dây nóng phản ánh trực tiếp lên Tổng cục Du lịch để phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời những sự việc tiêu cực xảy ra” - ông Thành góp ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đánh giá trong năm 2023 quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc tăng cường tần suất hoạt động các chuyến bay trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là sự trở lại của lượng khách từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Bắc Á sẽ là yếu tố tác động tích cực. Sản phẩm nghỉ dưỡng có tác động tích cực cho sức khỏe, tinh thần cá nhân tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Theo thống kê, thị trường này có gần 200.000 đơn vị gồm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng…