BĐS Mê Linh bất ngờ sốt nóng trở lại, thiết lập mặt bằng giá mới
Từng là điểm nóng của bất động sản ven Hà Nội vào những năm 2008-2009, thị trường Mê Linh sau đó đã rơi vào “giấc ngủ mê” triền miên kéo dài đến hơn chục năm. Những tháng đầu năm 2021, trong cơn sốt đất chung của toàn thị trường, Mê Linh cũng trở thành một điểm nóng, thu hút mối quan tâm của nhà đầu tư.
Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Phía Bắc giáp thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, phía Tây giáp huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc, phía Nam giáp huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội và phía Đông giáp huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Mê Linh có diện tích tự nhiên 14.246 ha, dân số xấp xỉ 226.800 người, có 18 đơn vị hành chính (16 xã và 2 thị trấn). Hệ thống giao thông tương đối phát triển, có đường bộ, đường sắt, đường sông, gần sân bay quốc tế Nội Bài (đường cao tốc Hà Nội – Nội Bài chạy qua địa phận thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh).
Vào năm 2008, khi phương án mở rộng địa giới hành chính thủ đô được công bố, Mê Linh – một huyện của Vĩnh Phúc được sáp nhập vào Hà Nội. Khoảng thời gian đó, Mê Linh là một điểm nóng bỏng của thị trường bất động sản ven Hà Nội. Với diện tích tự nhiên 14.246 ha, huyện vùng ven phía Bắc Hà Nội này trở thành một đại công trường với sự xuất hiện của hàng loạt dự án. Đến tháng 7/2008, có tới 46 dự án được cấp phép ở Mê Linh. Trong đó, có rất nhiều dự án quy mô lớn lên tới hàng trăm ha như Khu đô thị Minh Giang Đầm Và của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha, Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30 ha, Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp của Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 18 gần 16 ha…
Sức nóng của việc sáp nhập và cuộc đổ bộ rầm rộ của nhiều dự án lớn khiến giá bất động sản Mê Linh có sự nhảy vọt vào thời điểm 2008-2009, từ mức 3-5 triệu đồng/m2 lên mức 18-25 triệu đồng/m2. Thế nhưng, khi khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng bất động sản ập đến, cơn sốt này hạ nhiệt “không phanh”. Thị trường rơi vào giấc ngủ vùi hơn chục năm sau đó. Đất rao bán cắt lỗ sâu nhưng không có người hỏi mua.
Khoảng 3 năm gần đây, Mê Linh được hưởng lợi từ sự “nóng” lên của thị trường bất động sản Đông Anh do nằm tiếp giáp với huyện này. Tuy nhiên, sự thức giấc của Mê Linh mang tính chất cục bộ. Các dự án đất nền vẫn trong tình trạng “bất động”, sự sôi nổi rơi vào phân khúc đất thổ cư trong dân. Khi đó, vào năm 2019, những lô đất mặt tiền thị trấn Quang Minh, so với đầu năm 2018, giá tăng từ 7-10%, từ mức 19-23 triệu đồng/m2 lên mức 21-25 triệu đồng/m2. những khu đất gần trung tâm hành chính huyện cũng thuộc khu vực thị trấn, giá đất cũng tăng từ 12-13 triệu đồng/m2 lên 13-14,5 triệu đồng/m2.
Đầu năm 2021, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung dự án mới và xu hướng đầu tư vùng ven, đất Mê Linh nằm trong điểm ngắm của giới đầu tư. Thị trường khởi sắc ở cả phân khúc đất nền dự án và đất trong dân. Ở phân khúc đất dự án, các dự án như Thanh Hà Cienco 5, Diamond Park, khu đô thị Tiền Phong Mê Linh, khu đô thị Hà Phong, Chi Đông… giao dịch sôi động hơn các năm trước, giá đất tăng phổ biến từ 3-5 triệu đồng/m2 so với năm 2018, giá dao động hiện tại từ 17-22 triệu đồng/m2. Những lô đẹp, vị trí góc giá lên tới 27-32 triệu đồng/m2.
Giá đất thổ cư tại Mê Linh cũng theo đà “nóng” của đất dự án, thiết lập mặt bằng giá mới. Đất mặt tiền kinh doanh buôn bán ở thị trấn Quang Minh, từ mức 21-25 triệu đồng/m2 năm 2018 tăng lên mức 27-32 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ thuộc thị trấn cũng tăng từ 13-14 triệu đồng/m2 lên 15-17 triệu đồng/m2. Đất mặt đường ở Tiền Phong giá cũng tăng từ 17-19 triệu đồng/m2 lên mức 20-24 triệu đồng/m2. Đất ở Tự Lập cũng tăng từ 14-17 triệu đồng/m2 lên mức 18-21 triệu đồng/m2. Đất Thanh Lâm, ngõ ô tô vào, cũng tăng từ 10-12 triệu đồng/m2 lên mức 12-14,5 triệu đồng/m2.
Một môi giới tại Mê Linh cho biết, so với hai năm trước, giá đất dự án và giá đất trong dân tăng đáng kể, thu hút nhà đầu tư ở nhiều nơi về mua. Tuy nhiên, phân khúc sôi nổi nhất là những mảnh đất thổ cư trong dân có tài chính 700-800 triệu đồng, hướng tới đối tượng khách hàng là đông đảo công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Mê Linh. Cũng theo anh Duy, phân khúc đất dự án thu hút các nhà đầu tư đến từ Hà Nội và các vùng lân cận. So với năm 2019 thì mức tăng giá của đất Mê Linh đạt khoảng 20-30%, tính trung bình tỉ lệ tăng là từ 10-15%/năm. Đây là mức tăng không quá mạnh, cho thấy thị trường Mê Linh dù đã sôi động hơn thời kì “ngủ vùi” của chục năm trước nhưng vẫn chưa có cảnh “nóng sốt bỏng tay” như đất nền vùng ven nhiều khu vực khác của thị trường.