Biến thể COVID mới gây báo động toàn cầu, thị trường chứng khoán thế giới lao dốc

Sau một ngày đóng cửa nghỉ giao dịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, Phố Wall đã quay trở lại làm việc và chứng kiến một đợt bán tháo kỷ lục. Thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương bị sụt giảm mạnh nhất trong hơn một năm.

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ.  
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ.  
Việc phát hiện ra một biến thể virus Corona mới có tên Omicron đã gây ra báo động toàn cầu vào thứ Sáu (26/11).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Omicron có thể lây lan nhanh hơn các dạng khác và bằng chứng sơ bộ cho thấy có nguy cơ tái nhiễm cao hơn. Các nhà dịch tễ học cảnh báo việc hạn chế du lịch có thể là quá muộn để ngăn chặn Omicron lây nhiễm trên toàn cầu.

Các đột biến mới lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và sau đó đã được phát hiện ở Bỉ, Botswana, Israel và Hồng Kông.

Khi các quốc gia vội vàng đình chỉ du lịch từ miền nam châu Phi và thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương bị sụt giảm mạnh nhất trong hơn một năm.

Đêm 26/11 theo giờ Việt Nam, các thị trường chứng khoán thế giới đã trài qua ngày giao dịch “Thứ Sáu đen tối” ngập sâu trong sắc đỏ, khi thông tin về biến thể nguy hiểm Omicron tác động mạnh đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi kinh tế cũng như việc khôi phục lại thị trường du lịch sau nhiều tháng “đóng băng” vì đại dịch COVID-19.

Cụ thể, sau một ngày đóng cửa nghỉ giao dịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, Phố Wall đã quay trở lại làm việc và chứng kiến một đợt bán tháo kỷ lục.

Các cổ phiếu ngành năng lượng, tài chính và du lịch đồng loạt lao dốc khiến thị trường giảm điểm mạnh, bất chấp lực đỡ của các mã cố phiếu thuộc nhóm ngành y dược.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận đợt mất điểm tồi tệ nhất trong năm khi chốt phiên giảm2,5% giá trị, xuống còn 34.899,34 điểm; chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 2,3% xuống còn 4.594,62 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 2,2% xuống 15.491,66 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có ngày tồi tệ nhất trong 17 tháng. Cổ phiếu của các hãng hàng không, công ty du lịch đều giảm mạnh.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chính của thị trường châu Âu cũng đồng loạt “nhuốm” sắc đỏ khi chỉ số FTSE của Anh giảm 3,6%, trong khi chỉ số DAX của Đức và CAC40 của Pháp đều giảm trên 4%. Trước đó, thị trường châu Á cũng chứng kiến các đợt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/11.

Không chỉ giá chứng khoán, giá dầu cũng quay đầu giảm mạnh trong các phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam chỉ sau 2 ngày vừa mới tăng điểm trở lại. Trên sàn New York, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 giảm 10,24 USD/thùng, tương đương hơn 13%, xuống còn 68,15 USD/thùng.

Tại sàn giao dịch London, giá dầu Brent giao cùng kỳ cũng giảm tới 9,53 USD/thùng, tương đương 11,59%, xuống 72,72 USD/thùng. Đây là lần mất giá mạnh nhất trong ngày của cả WTI và Brent kể từ tháng 4 năm ngoái.

Quỳnh Anh

Theo Sở hữu trí tuệ