Có hay không bong bóng chứng khoán, bất động sản?
Đây là câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ khi nhìn vào sự tăng trưởng đột biến từ ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
Ngày 9/11, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm 2022-2024...
Tham gia thảo luận về ngân sách nhà nước, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mặc dù đã có điều chỉnh giảm dự toán so với năm 2020, nhưng ngân sách Trung ương vẫn hụt thu 29.346 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu ngân sách vẫn tăng trưởng, một trong những nội dung tăng đột biến trong năm là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
"Có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”, đại biểu Thơ nêu vấn đề và cho rằng, việc tăng thu ngân sách từ đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao.
Đại biểu đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này và có giải pháp xử lý.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong khi đó, góp ý nhiều chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Nam Định) nêu quan điểm: Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nữ đại biểu đánh giá Quốc hội, Chính phủ đã chủ động, linh hoạt trong điều hành và đảm bảo nguồn chi kịp thời cho chống dịch.
Nêu thực tế “thu giảm, chi tăng”, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng để thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022, đề nghị Chính phủ giao rõ thời gian, cơ quan thực hiện để sớm giải quyết tồn tại chỉ ra trong năm 2021, ví dụ như ban hành thủ tục pháp lý định giá doanh nghiệp, sớm giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia…
Bà cho rằng Chính phủ cần mạnh tay hỗ trợ về vốn và cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Vị đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi, phát triển như ban hành gói lãi suất thấp cho doanh nghiệp, khuyến khích các liên doanh để thu hút vốn, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận cách quản lý công nghệ hiện đại, tăng nỗ lực cho doanh nghiệp, hình thành một số chuỗi tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực.