Bối cảnh mới khởi động cuộc chơi mới trên thị trường BĐS

Các bộ luật quan trọng như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực đã tạo ra bối cảnh mới, cuộc chơi mới cùng những kỳ vọng mới trên thị trường BDDS

Nguồn cung sụt giảm nhẹ

Trong quý III/2024, tổng nguồn cung mới bất động sản nhà ở đã có sự giảm nhẹ ở cả ba khu vực miền Trung, TP. HCM và các tỉnh lân cận, miền Tây, chỉ khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận ghi nhận tăng 13% theo quý. Khu vực miền Trung có sự sụt giảm khi tổng nguồn cung sơ cấp giảm 2% theo quý.

Tổng nguồn cung sơ cấp trên phạm vi cả nước giảm khoảng 17% theo quý, trong khi đó nguồn cung phía Bắc là khu vực duy nhất có sự tăng trưởng (tăng ~13% theo quý).

Tỷ lệ hấp thụ chung trên tổng nguồn cung sơ cấp của toàn thị trường cải thiện khá so với cuối quý II/2024 (khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận tăng 15-25%); Khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận tăng 15 – 25%. Đáng chú ý phân khúc căn hộ có tỷ lệ hấp thụ ổn định, cao nhất tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Giá bán sơ cấp: tiếp tục duy trì đà tăng trong biên độ khoảng 5 -10% ở loại hình căn hộ, và bắt đầu mở rộng ra các loại hình khác. Tuy nhiên chủ yếu vẫn tập trung tại các vùng thị trường chính tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và các đô thị vệ tinh xung quanh.

Giá bán thứ cấp ở tình trạng bán cắt lỗ giảm mạnh, bắt đầu ghi nhận sự chênh lệch giá bán ở loại hình căn hộ từ 10 - 20%.

Giá thuê nhà ở: tiếp tục tăng trong biên độ từ 10 - 20%.

Căn hộ tiếp tục xu hướng tăng giá
Căn hộ tiếp tục xu hướng tăng giá

Thị trường căn hộ tại Hà Nội, đang chứng kiến sự tăng trưởng ổn định trong quý III/2024. Nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh, tỷ lệ hấp thụ tăng cao theo quý và giá bán cũng có xu hướng tăng lên.

Cụ thể thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung, tăng 13% theo quý, đạt khoảng 10,580 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ cũng tăng mạnh, đạt trung bình 50% - 55%.

TP.HCM và các tỉnh lân cận có xu hướng ngược lại, nguồn cung mới giảm 25% theo quý, đạt khoảng 3,540 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 30%- 35%.

Giá bán căn hộ tại cả Hà Nội và TP.HCM đều có xu hướng tăng ở hầu hết các phân khúc. Tại Hà Nội, căn hộ hạng B và A+ ghi nhận mức tăng giá cao nhất, lên tới 20% - 35% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP. HCM, căn hộ hạng A có mức tăng giá mạnh nhất, đạt 15% - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Với đà tăng trưởng tích cực của thị trường, dự báo đã đến lúc các nhà đầu tư và người mua nhà cân nhắc cơ hội đầu tư vào thị trường căn hộ Hà Nội và TP. HCM cũng như các đô thị vệ tinh.

Bối cảnh mới, cuộc chơi mới

Số lượng doanh nghiệp BĐS quay lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi của thị trường BĐS đang ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng ghi nhận 3,446 doanh nghiệp, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, minh chứng cho sự hấp dẫn và tiềm năng phát triển của thị trường.

Đặc biệt, quy mô vốn bình quân trên mỗi doanh nghiệp thành lập mới đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy các doanh nghiệp thành lập mới có sự đầu tư tài chính nhiều hơn vào lĩnh vực BĐS, khẳng định sự lạc quan vào tương lai của thị trường.

Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp BĐS, số lao động trong lĩnh vực BĐS cũng tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy các doanh nghiệp cũng đang tiếp tục mở rộng quy mô nhân sự bên cạnh việc gia tăng nguồn vốn.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang chứng kiến sự điều chỉnh linh hoạt từ phía các chủ đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2024. Các chủ đầu tư nỗ lực hoàn tất việc tái cấu trúc; khẩn trương hoàn thiện pháp lý các dự án; tích cực triển khai khởi động các dự án mới; đa dạng hóa hoạt động M&A, mở rộng thị trường.

Trong quý III/2024, cả nước có 4 dự án khởi công, 22 dự án chào sàn và 18 sự kiện mở bán, đánh dấu một giai đoạn ấm áp hơn của thị trường bất động sản.

Trần Lê

Theo VietnamFinance