Bơm 2,5 - 3 triệu tỷ đồng sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) khẳng định, việc bơm từ 2,5 đến 3 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế sẽgiúp hỗ trợ và tạo động lực lớn cho tăng trưởng. Tuy nhiên, đây không hẳn là cách duy nhất để đạtđược tăng trưởng cao và hiện việc bơm vốn sẽ gặp rào cản rất lớn đó chính là bức tường tỷ giá.

Năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng tín dụng 16%, tương đương với 2,5 – 3 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Giới phân tích nhận định, với một lượng tiền rất lớn được bơm ra, nếu không chảy vào khu vực sản xuất thực, sẽ tái lập tình trạng lạm phát, “bong bóng tài sản” và nợ xấu tăng cao…

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện PGS. TS Nguyễn Hữu Huân.

- Lo ngại rào cản tỷ giá Ông nhận định như thế nào về tác động của việc bơm từ 2,5 đến 3 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế để hỗ trợ cho việc tăng trưởng?

PGS Nguyễn Hữu Huân: Việc bơm từ 2,5 đến 3 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế sẽ giúp hỗ trợ và tạo động lực lớn cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, đây không hẳn là cách duy nhất để đạt được tăng trưởng cao và hiện việc bơm vốn sẽ gặp rảo cản rất lớn đó chính là bức tường tỷ giá.

Khi chúng ta giảm lãi suất để kích thích cầu tín dụng sẽ làm cho chênh lệch lãi suất tăng cao và gây áp lực đến tỷ giá, bởi FED vẫn chưa có ý định giảm lãi suất sớm trong năm nay.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân.

Việc tỷ giá luôn căng thẳng từ đầu năm đến nay là một minh chứng cho điều đó, và điều này sẽ làm cho NHNN rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải chịu áp lực cân bằng giữa giảm lãi suất và ổn định tỷ giá trong bối cảnh dư địa giảm lãi suất không còn nhiều. Với một nền kinh tế có tỷ giá dao động trong biên độ hẹp như của Việt Nam thì chính sách tiền tệ sẽ có hạn chế như trên.

Chính vì thế, thay vì thúc đẩy tăng trưởng bằng chính sách tiền tệ, chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa hiện đang có nhiều dư địa hơn để mở rộng bởi hàng loạt các dự án lớn đã và đang tiếp tục được triển khai.

- Ông có nói đây không phải là các duy nhất, vậy theo ông, với tăng trưởng năm nay, chúng ta nên đặt trọng tâm vào những lĩnh vực nào?

PGS Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, năm nay chúng ta nên tập trung vào 2 trụ cột chính, một là xuất khẩu để tận dụng thời cơ từ các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có lợi cho Việt Nam và hai là đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng.

- Vậy với việc bơm tiền như trên, lĩnh vực nào của nền kinh tế sẽ được hưởng lợi hay nói cách khác, tín dụng sẽ chảy vào đâu, thưa ông?

PGS Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, dòng tiền giá rẻ sẽ có khả năng chảy vào các kênh đầu cơ như bất động sản hay chứng khoán.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại và kinh nghiệm điều tiết thị trường sẽ hạn chế dòng tiền chảy quá ồ ạt vào các kênh này, mà thay vào đó là tìm kiếm những kênh trong nền kinh tế thực đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng.

Đối với kênh bất động sản, hiện nay đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người trẻ mua nhà như các ngân hàng đang tung ra các gói vay ưu đãi cho người dưới 35 tuổi, theo tôi đây là một tín hiệu tích cực và dòng tiền có thể chảy mạnh vào các bất động sản có nhu cầu thực, giúp cho người trẻ có cơ hội để sở hữu nhà cũng như tạo thêm động lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, các giải pháp cần thực tế hơn như thời hạn cho vay lãi suất ưu đãi cần dài hơn hay thời gian vay cần lâu hơn… để có thể thực sự khuyến khích người trẻ vay mua nhà trong thời gian tới.

- Việc bơm tiền này có đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới không, thưa ông?

PGS Nguyễn Hữu Huân: Đương nhiên việc bơm tiền sẽ đồng nghĩa với việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, và nhiều chuyên gia đã có nhận định là nó có thể gây ra lạm phát trong tương lai khi mà lạm phát kỳ vọng tăng.

Tuy nhiên, câu chuyện lạm phát sẽ chưa tới ngay mà vấn đề trước mắt chính là yếu tố tỷ giá sẽ có tác động dường như ngay lập tức bởi việc giảm lãi suất và bơm tiền. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận cho phép tỷ giá giảm giá tương đối với USD thì cũng là một yếu tố có thể cân nhắc để duy trì tốc độ bơm tiền như hiện nay ra nền kinh tế.

Nhìn chung, Trung Quốc và các quốc gia bị đánh thuế xuất khẩu sang Mỹ sẽ chủ động phá giá đồng nội tệ để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ, bởi việc phá giá tiền tệ sẽ giúp cho hàng hóa của họ rẻ trở lại mặc dù vẫn bị đánh thuế.

Do đó, nếu chúng ta cho phép tỷ giá VND/USD biến động với biên độ lớn hơn cũng sẽ là một giải pháp có thể tính tới. Đương nhiên chúng ta sẽ phải đánh đổi yếu tố ổn định vĩ mô một phần để đổi lấy tăng trưởng, trong đó tỷ giá và lạm phát sẽ có xu hướng tăng.

Kích thích kinh tế nội địa

- Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc bơm tiền để thúc đẩy giải ngân chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn, về lâu dài làm thế nào để giảm được tác dụng phụ của việc bơm tiền, thưa ông?

PGS Nguyễn Hữu Huân: Đó là bài toán đánh đổi và khó có thể triệt tiêu hoàn toàn tác dụng phụ. Thay vào đó, cần tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu để có dòng ngoại tệ dồi dào trong thời gian tới. Việc nguồn ngoại tệ dồi dào sẽ giúp cho chúng ta có dư địa để bơm tiền tốt hơn thông qua cơ chế mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối và bơm VND ra lưu thông.

Việc này sẽ giúp cho tỷ giá không biến động quá lớn, nhưng việc dòng tiền gia tăng trong nền kinh tế và chảy vào các kênh đầu cơ thì có thể tạo ra bong bóng và lạm phát. Để hạn chế việc này, cần có các cơ chế để kiểm soát dòng tiền tốt hơn, thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế thực.

Bơm 2,5 - 3 triệu tỷ đồng sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế? - Ảnh 1
Kích thích kinh tế nội địa.

- Hướng tới tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, theo ông, làm thế nào để tăng trưởng nhanh và bền vững, thưa ông?

PGS Nguyễn Hữu Huân: Nhìn chung, việc thúc đẩy kinh tế bằng việc bơm tiền chỉ là việc vay mượn tăng trưởng trong ngắn hạn, bởi về dài hạn, biến số sản lượng không phụ thuộc vào giá cả và các yếu tố danh nghĩa.

Trong lịch sử điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới và dựa vào các học thuyết về lý thuyết tiền tệ của Friedman, không phải cứ tăng cung tiền là kinh tế tăng trưởng, bởi tính trung lập của chính sách tiền tệ trong dài hạn cũng như các biến số thực của nền kinh tế như sản lượng hay tỷ lệ thất nghiệp sẽ không phụ thuộc vào cung tiền danh nghĩa trong dài hạn.

Do vậy, nếu như muốn đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào các biến số thực của nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động như ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân sự, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp nhằm phát triển nguồn lực kinh tế nội địa, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân như có các ưu đãi về thuế, phí. Quy định về tỷ lệ nội địa hóa với hàng hóa trong nước và xuất khẩu, các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI… nhằm giúp cho khu vực này có thêm dư địa để phát triển trong giai đoạn tới.

Có như vậy, nền kinh tế mới có thể phát triển ổn định và bền vững dựa trên tự chủ và nội lực.

Để cất cánh nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, theo tôi chúng ta cần vài năm đầu để chuẩn bị cho sự cất cánh này thông qua các việc làm trên, cũng giống như việc chúng ta cần phải chuẩn bị nhiên liệu và thiết kế động cơ cho tốt để chuyến du hành vào kỷ nguyên mới được trơn tru và ổn định hơn.

Chúng ta vẫn có thể cất cánh ngay bay giờ nhưng với điều kiện là vừa bay và vừa thay động cơ, điều này không phải không làm được về mặt lý thuyết nhưng cũng sẽ đòi hỏi một sự tập trung cao độ và quyết tâm của toàn bộ nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Kỳ Thư

Theo Vietnamfinance