Cải tạo sông Vinh gần 180 triệu USD: Ai được lợi?
Dự án có thể tác động tới lòng sông, lấn, lấp sông để lấy quỹ đất phát triển dự án, nếu vậy nguy cơ gây lũ lụt còn lớn hơn...
Thông tin tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 mới đây, lãnh đạo UBND TP. Vinh (Nghệ An) cho biết, đã phê quyệt quyết định về cải tạo sông Vinh từ vốn ODA, trị giá 178 triệu USD. Dự án sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường thành phố Vinh và tạo điểm nhấn cho khu vực.
Nhiều dự báo BĐS dọc sông Vinh sẽ tăng nóng. Ảnh minh họa |
Sông Vinh còn có tên gọi là sông Cồn Mộc hay sông Cửa Tiền, sông này chạy vòng phía sau chợ Vinh, men theo đường ven sông Lam qua các phường xã gồm Hưng Thịnh, Vinh Tân, Trung Đô và đổ ra sông Lam.
Theo giải thích, nhiều năm trở lại đây, sông Vinh đang bị ô nhiễm từ quá trình đô thị hóa. Chiều rộng hiện nay của sông khoảng 4 - 5 m. Theo đó, dự án sẽ kè bờ và mở rộng hai bên sông Vinh nhằm giảm thiểu lũ lụt, giảm nguy cơ người dân tiếp xúc với nước thải và ô nhiễm trên sông.
Đoạn sông Vinh được ưu tiên đề xuất cải tạo nằm ở phía Nam thành phố, từ cầu Đước đến khu vực trạm bơm Bến Thủy, chiều dài khoảng 5,8 km.
Khá bất ngờ với mục tiêu trên, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng chưa nhìn thấy được tác động rõ rệt trong việc giảm lũ lụt khi thực hiện dự án này.
Thay vào đó, dự án hướng nhiều tới công tác chỉnh trang, kè bờ, nắn sông... đây là điểm nhấn, tạo đà phát triển cho các dự án BĐS.
"Điều tôi đặc biệt lo ngại là người ta vin cớ chỉnh trang, kè sông để lấn sông làm dự án. Đây mới là vấn đề thật sự lo ngại. Tôi chưa thấy tác động rõ rệt nào trong việc giảm lũ lụt nếu dự án này được thực hiện", TS Đào Trọng Tứ nói.
Để lập luận thuyết phục hơn, vị chuyên gian nhắc lại “Dự án phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An”, với tổng đầu tư hơn 37 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới từng được lãnh đạo TP. Vinh bàn tới từ năm 2019.
Theo đó, những hạng mục đầu tư, công việc cần thực hiện gồm: Nạo vét lòng sông và xây dựng bờ kè dọc theo sông; nâng cấp và cải tạo đường quản lý dọc theo 2 bờ sông; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng và các hệ thống hạ tầng khác; xây dựng cảnh quan, cây xanh đường dạo dọc hai bên bờ sông…
Ở thời điểm đó, nhiều nhận định về tiềm năng BĐS đã được đưa ra.
Thực tế, ngay khi có thông tin về dự án thì khung giá đất tại đây đã tăng lên bắt đầu từ ngày 1/1/2020, các lô đất dọc khu này bỗng trở thành “mỏ vàng” cho các chủ sở hữu.
TS Đào Trọng Tứ cho biết, dù chưa nắm cụ thể thông tin về dự án cải tạo sông Vinh mới được phê duyệt thực chất có phải là dự án cũ từng được bàn tới hay không, nhưng rõ ràng, mục đích phát triển BĐS vẫn rõ ràng hơn mục đích giảm lũ lụt.
"Tôi vẫn lo ngại dự án có thể sẽ tác động tới lòng sông, thậm chí lấn, lấp một số đoạn sông để lấy quỹ đất phát triển dự án. Nếu điều này xảy ra thì không những giảm lũ lụt mà còn làm cản trở dòng chảy, gây lũ lụt nhiều hơn", vị TS cảnh báo.