Cần triệt để gỡ vướng nhà ở xã hội để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung

Tình trạng lệch pha cung – cầu trên thị trường bất động sản đã hết lần này tới lần khác đưa thị trường vào cảnh éo le, nhà đầu tư hay khách hàng cũng đứng giữa “đôi dòng nước” nên mua vào hay bán ra? Tâm lý thị trường cũng dần rà dễ bị đẩy lên đến đỉnh điểm nếu hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) xảy ra. Để giải quyết tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng, cần phải thúc đẩy nguồn cung nhà ở giá rẻ, trong đó, chú trọng phát triển nhà ở xã hội (NOXH).

Việc phát triển NOXH không chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết hiện nay, mà còn lan tỏa “sức nóng” tới các phân khúc bất động sản khác, giúp thị trường hồi phục nhanh hơn.

Còn nhiều bất cập về NOXH chưa được giải quyết

ở góc nhìn doanh nghiệp, đã rất nhiều lần doanh nghiệp phản ánh về việc họ rất thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi, nhất là ở các đô thị lớn; Nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất xây nhà ở cho công nhân. Hơn nữa, số lượng thủ tục thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí đầu tư.

NOXH còn nhiều bất cập chưa được giải quyết  
NOXH còn nhiều bất cập chưa được giải quyết  

Cùng với lợi nhuận bị khống chế ở mức 10%, thì suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội lại được quy định thấp hơn vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư nhà ở thương mại khoảng 25%. Việc giảm suất vốn đầu tư khi xây dựng công trình nhà ở xã hội khiến chủ đầu tư phải giảm chi phí tối đa để phù hợp với suất vốn đầu tư theo quy định. Trong khi đó, nhiều công trình nhà ở xã hội có quy mô lớn, có tầng hầm, được đầu tư hạ tầng và áp dụng biện pháp thi công không khác gì nhà ở thương mại.

Ngoài ra, các chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội làm tài sản bảo đảm thế chấp, vay vốn nên rất khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng… Bởi vậy, rất khó hấp dẫn doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.

Hay như nhiều chủ đầu tư đã tiến hành triển khai các dự án NOXH nhưng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đơn cử như, chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại phía Tây Hà Nội cho hay, nhiều năm nay không thể triển khai do gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư. Ngoài ra, chủ trương ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội là được miễn tiền sử dụng đất, nhưng cơ quan chức năng vẫn yêu cầu phải xác định tiền thuê đất, doanh nghiệp phải nộp trước rồi mới làm thủ tục khấu trừ sau này. Trong khi đó, theo Luật Nhà ở 2014, các địa phương sẽ hỗ trợ 50% tiền thu hồi đất làm nhà ở xã hội, nhưng đến nay chưa địa phương nào thực hiện.

Chưa kể, khi thực hiện giao đất thủ tục còn rườm rà và xuất hiện tình trạng một số cơ quan, ban ngành sợ trách nhiệm, không dám làm. Chẳng hạn, Hà Nội được giao phê duyệt quy hoạch cho 1 dự án, thẩm quyền được giao xuống cho quận, nhưng trước khi ký phê duyệt, quận vẫn báo cáo Thành phố, xin ý kiến liên ngành, rồi Thành phố lại gửi các sở, các sở lại gửi các phòng, ban…, “vòng luẩn quẩn” này vừa kéo dài thời gian triển khai dự án, vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Triệt để gỡ vướng khó khăn tồn tại

Tại cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo Chính phủ mới đây, ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, việc phát triển nhà ở xã hội rất quan trọng nên UBND Thành phố đã thống nhất báo cáo với Thành ủy Hà Nội để ban hành một nghị quyết và có một chương trình tổ chức triển khai cho toàn hệ thống chính trị.

Mặt khác, hiện nay, việc phát triển một dự án đầu tư còn phức tạp, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo Chính phủ quy định riêng để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian so với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, đồng thời kiến nghị các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, phải chuẩn bị một quỹ đất đầy đủ. Quỹ đất này được xác định theo Luật Nhà ở 2023, được xác định trong quỹ đất 20% của các khu nhà ở thương mại, khu đô thị mới.

Chuyên gia cho rằng, cần phải giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng nhà ở xã hội, không để tình trạng “nhu cầu lớn mà bị cản trở bởi vướng mắc nhỏ”.

Trước đó, phát biểu kết luận Hội nghị Triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 được tổ chức hồi đầu năm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ: Nhiều khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu nêu ra đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng, cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn, đưa những quy định mới trong pháp luật đất đai, nhà ở … vào cuộc sống.

Phải đơn giản hoá các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội; đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân. Các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… cần “vào cuộc” tham gia thống kê nhu cầu nhà ở của người dân để các địa phương tổng hợp. Từ đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, xác định nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xoá nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn…

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống