Cập nhật giá đất tại một số điểm nóng sau 4 đợt dịch: Có nơi “tăng phi mã” 80%
Trong bối cảnh dịch bệnh đang có xu hướng được kiểm soát, đồng thời chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại khiến thị trường bất động sản đang có sự “nóng” trở lại như những đợt dịch trước đó.
Giá đất “nóng bỏng tay” tại nhiều khu vực
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự đoán, làn sóng đầu tư vào bất động sản sẽ mạnh mẽ trở lại sau khi làn sóng Covid thứ tư được kiểm soát tốt, tương tự như 3 đợt bùng phát dịch trước đó.
Thực tế cho thấy, khi làn sóng dịch covid lần thứ 3 được kiểm soát, niềm tin về thị trường bất động sản tăng tốc mạnh mẽ trở lại và tạo nên 1 đợt sốt đất trên diện rộng khắp Việt Nam trong quý I/2021. Số lượng tìm kiếm bất động sản đạt kỷ lục vào tháng 3 cho thấy thị trường bất động sản giống như chiếc lò xo bị nén vào mỗi đợt dịch bùng phát. Sau mỗi đợt dịch, nhu cầu bất động sản bật tăng mạnh trở lại, khi thị trường bị nén càng mạnh thì lực bật sẽ càng cao.
Hiện nay, trên thị trường, nhiều nhà đầu tư gom hàng, với số lượng sản phẩm lớn ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương. Thực trạng này đang tiềm ẩn nguy cơ đẩy giá và thiết lập mức giá cao hơn so với giá trị thực, “thao túng” thị trường địa ốc, tạo nên cơn sốt đất cục bộ là điều có thể xảy ra khi dịch được kiểm soát.
Mới đây, theo báo cáo đánh giá triển vọng ngành bất động sản nhà của VNDirect vừa công bố, giá đất trên thị trường thứ cấp tăng mạnh, đặc biệt là đất đô thị tại các quận, huyện ven đô của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh – 2 thị trường bất động sản lớn nhất của cả nước. Cụ thể, tại Hà Nội, giá đất tại huyện Đông Anh tăng tới 75,5% so với cùng kỳ năm trước, con số này tại huyện Thanh Trì tăng khoảng 25,6%. Tại TP Hồ Chí Minh, giá nhà đất tại huyện Củ Chi ghi nhận mức tăng 27,7%; huyện Hóc Môn là 21,1%…
Có thể lấy đơn cử như tại huyện Mê Linh (Hà Nội) hồi đầu tháng 6/2021, thông tin một tập đoàn nhận chuyển nhượng lại dự án AIC khiến nhiều người cho rằng giá đất khu vực Mê Linh, cụ thể tại xã Tiền Phong sẽ bật mạnh trở lại. Theo đó, thông tin chào mời đầu tư tại dự án AIC và nhiều dự án xung quanh khác như Cienco 5, Minh Giang Đầm Và, Hà Phong… được đăng tải rầm rộ trên các website, diễn đàn… về bất động sản. Thậm trí các lô nằm ở tuyến đường trục chính, đường lớn có giá dao động 40-45 triệu đồng/m2, còn ở vị trí khác dao động từ 21-40 triệu đồng/m2, tăng 60-70% so với thời điểm cuối năm 2020.
Ngoài ra, nhiều dự án shophouse mới nằm sát trục đường lớn kéo thẳng vào Khu đô thị Vườn hoa Tiên Phong (huyện Mê Linh) cũng được chào bán với giá từ 40 triệu đồng/m2 – tương đương với giá nhiều dự án ở nội thành Hà Nội.
Bên cạnh những điểm nóng là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đất nền cũng ghi nhận việc “tăng giá chóng mặt” tại một số khu vực khác. Điển hình như tại Thái Nguyên. Cụ thể, phiên đấu giá 800 lô đất liền kề Khu dân cư Hồng Tiến thuộc thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) cuối tháng 6/2021 vừa qua gây chú ý trên thị trường khi từ mức giá khởi điểm 5-8 triệu đồng/m2, ngay sau phiên đấu giá xuất hiện rầm rộ thông tin rao bán đất nền Phổ Yên với giá 26-30 triệu đồng/m2, cao hơn 2-3 lần so với giá trúng khoảng 10 triệu đồng/m2.
Bày tỏ quan điểm về việc tăng giá đất tại Phổ Yên, một nhà đầu tư ở Hà Nội từng mắc kẹt tại thị trường đất nền Phổ Yên trước đây thực sự ngạc nhiên trước mức giá này, bởi trước đó, lô đất dự án mà anh mua từ năm 2019 với giá 10 triệu đồng/m2 tới cuối năm 2020 mới thoát được hàng và gần như không có lãi, thậm chí lỗ nếu tính thêm các chí phí khác.
“Chưa biết có người nào dám ‘ôm bom’ với mức giá nêu trên hay không, nhưng với số lượng rất lớn người tham gia nộp hồ sơ đấu giá cùng với động thái nhiều nhà đầu tư đang rục rịch trở lại thị trường, nhiều khả năng sắp tới lại có sóng đất nền bùng nổ ở nhiều địa phương, bao gồm cả Phổ Yên” – người này chia sẻ.
Lo ngại “sốt đất ảo” có thể trở lại?
Thực tế, trên thị trường, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều người rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Nắm bắt được điều này, nhiều nhà đầu tư gom hàng, với số lượng sản phẩm lớn.
Trước thực trạng này, một số chuyên gia cho rằng đang tiềm ẩn nguy cơ đẩy giá và thiết lập mức giá cao hơn so với giá trị thực, “thao túng” thị trường địa ốc, tạo nên cơn sốt đất cục bộ là điều có thể xảy ra khi dịch được kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS nói rằng, bất ổn của cơn sốt đất vừa qua đến từ tình trạng làm giá của đội “cò đất”.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này các địa phương thắt chặt khâu làm giá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao dịch trên thị trường BĐS, kể từ cơn sốt đất cục bộ vừa qua. Đây là những kịch bản mà các nhà đầu tư ôm đất cần xem xét và cẩn trọng. Bởi nếu không, bên cạnh trường hợp bị chôn vốn, nhà đầu tư có thể rơi vào tình trạng phá sản trong trường thị trường đi xuống, sản phẩm khó thanh khoản ngay cả khi bán tháo.
Trong diễn biến khác, để có số liệu toàn cảnh về thị trường nhằm ngăn chặn sốt đất, mới đây Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương báo cáo về giải pháp, kết quả xử lý hiện tượng tăng giá đất thời gian qua.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I có hiện tượng tăng giá đất cục bộ xảy ra tại nhiều địa phương. Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương có giải pháp để kiểm soát quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản tại các địa phương.
Do đó, đề nghị các địa phương báo cáo các giải pháp và kết quả thực hiện theo yêu cầu tại văn bản nêu trên để ổn định thị trường bất động sản tại địa phương. Cụ thể như, diễn biến tình hình giá đất tại khu vực có hiện tượng sốt đất trong thời gian qua.