Chi nghìn tỷ ngầm hóa tuyến đường lớn kết nối 2 quận trung tâm của thành phố giàu nhất cả nước
Việc ngầm hóa con đường lớn của thành phố sẽ hình thành một hệ thống không gian công cộng liên tục hai bên bờ sông và sẽ là nơi phát triển không gian công cộng của người dân TP. HCM.
Sở Giao thông vận tải TP. HCM đã đề xuất về việc đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư dự án xây dựng hầm chui đường Tôn Đức Thắng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo đó, hầm chui đường Tôn Đức Thắng có chiều có tổng chiều dài hơn 1km, chiều rộng 20,5m và đáp ứng 4 làn xe lưu thông 2 chiều.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng, thời gian triển khai dự án trong giai đoạn 2024 - 2030.
Dự án ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng thực tế đã được đưa vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiên hữu TP. HCM. Theo đó, TP. HCM sẽ mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, trong đó tổ chức các không gian công cộng liên hoàn dọc bờ Tây sông Sài Gòn. Còn mặt đất đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Hàm Nghi đến công trường Mê Linh) dành cho không gian đi bộ và xe điện, chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm bên dưới kết hợp với bãi xe ngầm.
Đường Tôn Đức Thắng là con đường nằm ở trung tâm quận 1, dài khoảng 2km. Điểm đầu tuyến đường giao với tuyến Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son, dọc theo công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn và đến cầu Khánh Hội. Đây là trục đường quan trọng của TP. HCM khi kết nối trực tiếp với cac điểm nổi tiếng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, công viên bến Bạch Đằng và là một trong vài tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với quận 4 và khu Nam TP. HCM.
Việc ngầm hóa tuyến đường Tôn Đức Thắng là điều cần thiết khi đường Tôn Đức Thắng lượng phương tiện lưu thông ngày càng gia tăng. Đặc biệt là sau khi công viên bến Bạch Đằng được chỉnh trang, thu hút nhiều người dân đến vui chơi. Khi tuyến đường được ngầm hóa, khu vực trên có thể hình thành một trục không gian công cộng hấp dẫn vì có thể tổ chức các hoạt động từ trên bờ ra sông Sài Gòn như nhạc nước, điểm ngắm pháo hoa.
Bên cạnh đó, tương lai khu vực này sẽ hình thành cầu đi bộ qua sông Sài Gòn kết nối hai không mở của khu trung tâm hiện hữu và trung tâm mới Thủ Thiêm. Đường Tôn Đức Thắng khi được ngầm hóa sẽ hình thành một hệ thống không gian công cộng liên tục tại 2 bên bờ sông Sài Gòn, đưa khu vực này thành không gian hoạt động công cộng chính của người dân TP. HCM.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. HCM là tỉnh có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao thứ nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với 107 triệu đồng/người/năm.