Chính phủ lý giải về kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng/km cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.500km có tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,3 tỷ USD), tương đương mỗi km có giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Chính phủ vừa có dự thảo tờ trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD).
Các hạng mục chi phí của dự án được ước tính bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 150.000 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 974.500 tỷ đồng; chi phí dành cho đầu máy toa xe khoảng 110.376 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác khoảng 162.731 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 260.783 tỷ đồng; và chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 55.438 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, tuyến đường sắt này có khoảng 60% kết cấu là cầu, 10% là hầm, và 30% là nền đất. Vì vậy, suất đầu tư trung bình của dự án vào khoảng 43,7 triệu USD/km (tương đương khoảng 1.073 tỷ đồng/km). Đây là mức trung bình so với các tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác.
Tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam diễn ra ngày 30/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào báo cáo Chính phủ trước ngày 7/10/2024.
Dự kiến, tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ sẽ xem xét thông qua báo cáo này trước khi hoàn thiện tờ trình trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế lên đến 350km/giờ. Tuyến đường có tổng chiều dài 1.541km, sử dụng đường đôi, khổ 1.435mm và hệ thống điện khí hóa.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Điểm đầu của tuyến nằm tại tổ hợp ga Ngọc Hồi, TP. Hà Nội và điểm cuối sẽ là ga Thủ Thiêm, TP. HCM.
Tuyến đường sắt sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và TP. HCM.