Cho vay bất động sản tại các ngân hàng biến động ra sao?
9 tháng đầu năm 2021, hoạt động cho vay bất động sản tại nhiều ngân hàng tư nhân như Techcombank, VIB, TPBank tăng mạnh.
Vài năm trở lại đây, bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại vào nhóm tín dụng có rủi ro cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Vì vậy, cơ quan quản lý tiền tệ luôn dùng các biện pháp để kiểm soát dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Tuy vậy, tín dụng bất động sản tại một số nhà băng vẫn tiếp tục tăng trưởng khá mạnh.
Đáng chú ý, theo số liệu tại báo cáo tài chính, kinh doanh bất động sản chỉ là một phần trong tổng dư nợ các ngân hàng cho vay với khách hàng có liên quan lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, số này bao gồm cả xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở khác…
Nếu tính cả dư nợ các lĩnh vực này, tỷ trọng cho vay liên quan bất động sản tại các nhà băng còn lớn hơn rất nhiều con số trên báo cáo tài chính.
Điển hình tại Techcombank, tính đến thời điểm 30/9/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, chiếm đến 40% tổng dư nợ của ngân hàng.
Đáng nói, tính đến 30/9/2021, cho vay mua nhà của Techcombank (chiếm khoảng 80% cơ cấu cho vay cá nhân) đạt hơn 109.000 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, chiếm 34% tổng dư nợ của ngân hàng.
Do đó, dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank có thể lên tới 239.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà.
Trước đó, tính đến thời điểm 30/6/2021, nhà băng này đang dẫn đầu về cả số dư và tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản, lần lượt ở mức gần 101.489 tỷ đồng và chiếm hơn 33% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ. Số dư nợ này tăng 11% trong 6 tháng qua, tương đương tăng hơn 10.128 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính công ty mẹ quý 2 năm 2021 (đã soát xét), nếu gộp cả dư nợ trong lĩnh vực xây dựng và cá nhân (khoảng 80% là cho vay mua nhà để ở), tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản của Techcombank có thể lên tới hơn 200.000 tỷ, tăng khoảng 17% so với đầu năm.
Thực tế, Chủ tịch Hồ Hùng Anh từng khẳng định trong ĐHĐCĐ năm ngoái, riêng với bất động sản là ngành đã được Techcombank xác định ưu tiên từ 5 năm trước. Định hướng này đã được khẳng định là đúng đắn thể hiện qua kết quả kinh doanh của ngân hàng những năm vừa qua. Đối tượng khách hàng của Techcombank không dàn trải, chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp lớn, chiếm đa số thị phần trong nước, có rủi ro thấp và lợi nhuận cao như VinGroup, SunGroup...
Ngoài ra, ông Hồ Hùng Anh cho biết định hướng của Techcombank là tập trung cấp tín dụng cho các khoản vay có tài sản bảo đảm để hệ số rủi ro chứ không tập trung cho vay tín chấp. Nhu cầu vay mua nhà, sửa nhà, mua ô tô là nhu cầu lớn nhất của cá nhân, cho vay bất động sản lớn cũng không khó hiểu.
Do đó, con số cho vay bất động sản tại Techcombank trong thời gian qua cũng không quá bất ngờ.
Một ngân hàng tư nhân khác cũng đẩy mạnh tín dụng bất động sản là TPBank. Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 3/2021, số dư cho vay kinh doanh bất động sản tại TPBank 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận hơn 9.857 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Nếu tính gộp cả dư nợ trong lĩnh vực xây dựng, tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản của TPBank tính đến cuối quý 3/2021 có thể lên tới hơn 17.209 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với đầu năm.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, xu thế trong ba năm trở lại đây cho thấy tăng trưởng tín dụng bất động sản trong thời gian gần đây đang giảm dần. Thế nhưng. tính đến ngày 30/9/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng. Con số này tăng lên so với mức 672.224 tỷ đồng tính đến hồi cuối tháng 6 năm nay.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/9/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng.
Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 168.687 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 24,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 38.991 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 28.326 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 4,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.919 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.348 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 7,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 105.558 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 73.833 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 10,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 186.932 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 27,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.