Chu kỳ mới đang đến với thị trường bất động sản?
Thị trường bất động sản năm 2024 đã bắt đầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Giai đoạn 2021 đến 2025, bất động sản là một trong những ngành kinh tế có biến động mạnh nhất. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ chính phủ và các bộ ngành liên quan, bất động sản đang chuẩn bị bước vào một chu kỳ mới - chu kỳ phát triển bền vững. Bất động sản đóng góp rất lớn vào GDP của Việt Nam, khoảng 3,6% vào năm 2022. Nếu tính cả các ngành liên quan như xây dựng và tài chính - ngân hàng, tỷ trọng này còn cao hơn.
Tuy nhiên, trong suốt quãng đường từ đầu năm 2021 đến cuối quý 1/2022, thị trường bất động sản đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội, giá đất tăng chóng mặt, sôi động khắp nơi. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng bế tắc, nguồn cung và khối lượng giao dịch gần như chậm lại.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết quý I/2024 được coi là “bước đệm nhẹ” để thị trường bất động sản giữ nhịp, trước khi nhảy sang một bước tiến mới với những kỳ vọng về kết quả phục hồi rõ nét hơn ở các quý tiếp theo. Việc thông qua 3 bộ Luật quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, với nhiều điểm mới, được cho là đã tác động rất tích cực tới tâm lý các chủ thể đang tham gia thị trường.
Đáng chú ý, ngay trong những tháng đầu năm năm 2024, thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều dự án đồng loạt khởi công, với quy mô hàng chục nghìn héc-ta cho tới hàng tỷ USD.
Tại TP. HCM và các vùng lân cận, phân khúc nhà phố, biệt thự tiếp tục có thêm nhiều dấu hiệu tích cực với nguồn cung, lượng giao dịch tăng nhẹ. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá tăng trung bình khoảng 2%-4% so với thời điểm cuối năm 2023.
Điểm chung của các dự án chào sân trong giai đoạn này là pháp lý chuẩn chỉnh, có sự đầu tư mạnh về hạ tầng, cảnh quan và tiện ích, cùng các chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm tăng tính thuyết phục với khách hàng và nhà đầu tư. Theo dữ liệu của VARS, tất cả các yếu tố này vẫn đang trong quá trình tương tác, cần chờ thêm sự xuất hiện của “chất xúc tác” để tạo phản ứng cho các kết quả cuối cùng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết thị trường bất động sản cũng ghi nhận một số khu vực có hiện tượng “tăng giá vô căn cứ”. Cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn sốt ảo, gây nguy cơ mất an toàn khi thị trường còn đang trong tiến trình phục hồi.
Theo VARS, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Mọi sự chuyển biến sẽ diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi và tích lũy trước đó, cùng với sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đô thị hóa.
Bên cạnh đó, cần chú ý nguy cơ phát sinh “mâu thuẫn” nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và liên kết được đầy đủ với các điều luật và chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường. Dòng tiền từ các kênh khả năng cao sẽ “mạnh dạn” tìm về thị trường bất động sản với số lượng nhiều hơn cùng khả năng tiếp cận “thuận lợi” hơn.