Chứng khoán VPS thu lời khủng, mảng môi giới hút bộn tiền
VPS là công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới trên HoSE trong năm 2024, lý giải cho việc nghiệp vụ này đem về hơn 3.100 tỷ đồng doanh thu.
Công ty Chứng khoán VPS vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2024, ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Cụ thể, doanh thu hoạt động quý IV của VPS đạt 1.544 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.589 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng môi giới chứng khoán là nguồn thu chủ lực, đem về gần 618 tỷ đồng dù có phần sụt giảm 23% so với cùng kỳ. Ngược lại, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 36%, đạt 458 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của VPS giảm khá mạnh ở mức 43%, đạt hơn 603 tỷ đồng trong khi cùng kỳ phải chi tới hơn nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do VPS đã thu hẹp được khoản lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và tiết giảm mạnh chi phí của nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
Đáng chú ý, về hoạt động tài chính, VPS bất ngờ đem về 462 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 10 lần cùng kỳ. Tại báo cáo tài chính, VPS không thuyết minh chi tiết về khoản thu đột biến này, mà chí báo cáo là “doanh thu hoạt động tài chính khác”.
Nhờ nguồn thu đột biến cùng việc tiết giảm chi phí, VPS báo lãi sau thuế 837 tỷ đồng trong quý IV, gấp 4,3 lần mức thực hiện cùng kỳ. Theo tính toán của VietnamFinance, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh mà VPS đạt được trong quý cuối năm khoảng 224 tỷ đồng.
Luỹ kế năm 2024, doanh thu hoạt động của VPS đạt hơn 6.466 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với năm 2023. Trong đó, nghiệp vụ môi giới chứng khoán đem về hơn 3.186 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 14% so với năm trước. Doanh thu từ cho vay và phải thu cũng đạt tăng trưởng dương ở mức 44%, đạt hơn 1.762 tỷ đồng.
VPS báo lãi sau thuế hơn 2.520 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần cùng kỳ nhờ biến biến tương tự trong quý IV, khi chi phí được tiết giảm mạnh và ghi nhận được khoản thu đột biến từ hoạt động tài chính.
Với kết quả này, VPS đã thiết lập được mức kỷ lục mới trong hoạt động kinh doanh, đánh dấu cột mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng lần đầu tiên đạt được. Dù ngay từ đầu năm, ban lãnh đạo công ty chứng khoán này đã xây dựng một kế hoạch kinh doanh với các mục tiêu tăng trưởng cao, VPS vẫn ngoạn mục vượt kế hoạch, thậm chí vượt từ thời điểm cuối quý III.
Năm 2025, VPS tiếp tục lên kế hoạch với mục tiêu lợi nhuận cao, dự kiến đạt 3.500 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng khoảng 10% so với mức thực hiện năm 2024.
Nói riêng về hoạt động môi giới, trong năm 2024, VPS dẫn đầu về thị phần môi giới trên HoSE, chiếm 18,26% và bỏ xa các đối thủ ở vị trí sau như SSI (9,18%), TCBS (7,18%), HSC (6,41%),… Điều này lý giải cho việc nghiệp vụ môi giới đem về bộn tiền cho VPS trong cả năm 2024. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này đã chứng kiến sự hụt hơi khi ghi nhận 3 quý liên tiếp thu hẹp thị phần môi giới tại HoSE. Doanh thu từ môi giới trong quý cuối năm cũng không đạt được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Về quy mô, tính tới cuối năm 2024, tổng tài sản của VPS đạt gần 30.371 tỷ đồng, tăng 35% tương đương thêm gần 8.000 tỷ đồng tài sản trong năm vừa qua. Các khoản cho vay của VPS hiện ghi nhận hơn 12.493 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, trong đó cho vay margin đạt 12.208 tỷ đồng, ứng trước tiền bán 284 tỷ đồng. Đây cũng là mức cho vay lớn nhất của công ty kể từ khi hoạt động.
Giá trị các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 8.091 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2024, bao gồm hơn 1.108 tỷ đồng trái phiếu niêm yết và 6.953 tỷ đồng các công cụ thị trường tiền tệ. Giá trị các cổ phiếu niêm yết mà VPS nắm giữ chỉ đạt vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm khoảng một nửa so với thời điểm đầu năm.
VPS đang ghi nhận hơn 1.732 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng có khoản tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng hơn 7.000 tỷ đồng.