Chuyên gia “mách nước” khi doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”

Triển vọng ngành bất động sản năm 2024 đã khả quan hơn với nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ, tuy nhiên những thách thức vẫn hiện hữu, nhất là nguồn vốn đối với doanh nghiệp bất động sản.

Theo các chuyên gia, những tháng đầu năm 2024, tín dụng vay tiêu dùng, mua bất động sản vẫn tiếp tục đà suy giảm dù lãi suất cho vay đã duy trì ở mặt bằng thấp. Bởi những biến cố về lạm phát, lãi suất… vẫn chưa thể dự đoán. Việc vay tiền để mua nhà và trả nợ với số tiền trên 10 triệu đồng/tháng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình, khi họ không thực sự tự tin vào tình hình công việc và thu nhập trong tương lai.

Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 3 bộ luật vừa mới được thông qua, bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoãn nợ các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch Covid bùng phát, tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS).  
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS).  

Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền bơm vào thị trường, phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.

"Cần có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, phù hợp với thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, cần chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng", ông Đính kiến nghị.

Về phía các doanh nghiệp bất động sản, cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư, nên bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực hiện tại, đồng thời chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Tập trung nguồn vốn vào các dự án đảm bảo pháp lý, có phương án vay vốn khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, dễ thanh khoản để các ngân hàng thương mại có cơ sở cấp tín dụng.

Mặt khác, doanh nghiệp nên giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bán lỗ, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động. Với các dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, doanh nghiệp chủ động định hướng sang phân khúc giá bình dân để đảm bảo khả năng hấp thụ khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Chung quy lại nửa đầu năm 2024 vẫn là thời điểm khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản mặc dù thị trường đã có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 2.210 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, bằng 101,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.577 doanh nghiệp, bằng 111,4% so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 605, bằng 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn là 3.185, bằng 125% so với 6 tháng đầu năm 2023. Trước đó, 5 tháng đầu năm đã có 2.996 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động có thời hạn.

Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn trong 6 tháng đầu năm 2024 là 3.185, bằng 125% so với 6 tháng đầu năm 2023

Đáng chú ý, bối cảnh doanh nghiệp bất động sản thông báo tạm dừng hoạt động có thời hạn gia tăng khi thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đang có những diễn biến tích cực theo chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.

Bên cạnh đó, theo thống kê từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, chủ yếu là nhóm phát triển mảng nhà ở cho thấy, tổng giá trị tồn kho tại thời điểm cuối tháng 3/2024 đạt hơn 286.000 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 11,4 tỷ USD).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM - cho rằng với nhóm hàng tồn kho bất động sản bán thành sản phẩm, là nhóm đã triển khai nhiều năm nhưng chưa hoàn thiện, các đơn vị quản lý Nhà nước cần tập trung xem xét, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ gỡ vướng cho những dự án này nhằm khơi thông nguồn lực.

Mặc dù khó khăn nhưng theo ông Châu, khi Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực đồng thời từ 1/8/2024 sẽ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Minh Đức (T/H)

Theo Chất lượng và Cuộc sống