Chuyên gia nhận định thế nào về thị trường bất động sản Thủ Đức hậu Covid-19?
Kể từ khi lên Thành phố vào đầu năm 2021, thị trường bất động sản tại Thủ Đức có những chuyển biến tích cực, điều này thể hiện ở việc các hoạt động phát triển kinh tế tài chính, khoa học công nghệ luôn được đẩy mạnh. Tuy nhiên trong thời gian tới, ngăn hạn là từ giờ đến cuối năm, dài hạn là sang năm 2022, đặc biệt là khi dịch bệnh được kiểm soát thị trường bất động sản nơi này sẽ ra sao là điều mà không ít nhà đầu tư quan tâm thời điểm này.
TP Thủ Đức là cơ hội lớn cho nhà đầu tư?
Thành phố mới Thủ Đức nằm ở khu Đông thành phố Hồ Chí Minh bao gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức. Theo Quy hoạch tổng thể đến năm 2025, hướng phát triển tương lai của TP Hồ Chí Minh là khu vực phía Đông và Nam.
Hạ tầng và quy hoạch tại TP Thủ Đức đang được thực hiện đồng bộ. Đây là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của khu vực, tạo điều kiện kết nối đa phương thức giữa thành phố Thủ Đức và các khu vực khác trong TP Hồ Chí Minh bao gồm: tuyến metro số 1 với tổng chiều dài 19,7 km bắt đầu từ trạm Bến Thành (tại quận 1) đến trạm cuối là Depot Long Bình (tại quận 9) dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và dự án cầu Thủ Thiêm 2.
Bên cạnh đó, hai trung tâm về công nghệ cao và công nghệ sinh thái tập trung tại khu vực quận 9, chuyên gia nước ngoài và các cấp quản lý đang làm việc tại đây cũng được coi là nguồn cầu tiềm năng cho các sản phẩm bất động sản.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều ngân hàng tung ra các gói lãi suất ưu đãi chưa từng có, thậm chí chưa tới 6% mỗi năm cho các khoản vay mua nhà.
Nói về tiềm năng đầu tư bất động sản kể từ khi Thủ Đức lên Thành phố, ông Nguyễn Văn Đính – Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một ‘thành phố trong thành phố’. Thành phố Thủ Đức ra đời vừa là một cực, một trung tâm mới, kết nối với các cực kinh tế khác và có nhiều tiềm năng phát triển đô thị, bất động sản liên quan đến giáo dục, công nghiệp, công nghệ, tài chính.
Thủ Đức cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cho thành phố và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của cả nước, trở thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà đầu tư cần lưu ý gì nếu muốn đầu tư nhà đất tại Thủ Đức thời điểm cuối năm?
Xét về giá đất tại Thủ Đức kể từ khi lên Thành phố, tại phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) và các khu vực phụ cận tăng nhanh chóng lên ngưỡng từ 70-90 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất ở các trục đường chính như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (Quận 9) cũng có bước nhảy vọt, những khu vực còn lại cũng tăng lên mức 30-60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15-20% so với thời điểm trước.
Ở thời điểm mới phong phanh thông tin Thủ Đức sẽ lên Thành phố vào đầu năm 2021, thời điểm giữa năm 2020, giá đất ở khu vực Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) nằm mức khoảng 60-70 triệu đồng/m2 nhưng đến tháng 12/2020, đã có nhiều lô đất được treo bảng rao bán từ 90-100 triệu đồng/m2.
Riêng với loại nhà phố, trong khi ở khu trung tâm có giá nhà giảm 3% vì tình hình dịch bệnh thì tại 3 quận phía Đông (thành phố Thủ Đức) vẫn ghi nhận tăng gần 7% so với cùng kỳ. Với loại hình căn hộ, mức tăng giá các quận thuộc khu Đông vào khoảng 8%, trong khi khu trung tâm TP Hồ Chí Minh chỉ 5%.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay người mua vẫn tiếp tục quan tâm đến bất động sản khu vực này mặc dù mặt bằng giá đã cao. Thậm chí, giá bất động sản thành phố Thủ Đức vẫn trên đà tăng trưởng, bất chấp dịch bệnh.
Bà Dung cũng đề cập đến dịch Covid-19 đã tác động nhiều mặt lên khẩu vị người mua và nhà đầu tư. Về sản phẩm, người mua chú trọng hơn nữa trong việc tìm kiếm các căn hộ có môi trường xanh, dịch vụ quản lý tốt và xu hướng chuyển dịch ra các khu vực xa hơn để có nhiều không gian…
“Thủ Đức nhờ quỹ đất rộng chính là sân chơi của các ‘ông lớn’ bất động sản triển khai thâu tóm quỹ đất, triển khai các dự án quy mô nhằm ‘đi trước đón đầu’ tiềm năng của khu vực này, bà Dung nói.
Tuy nhiên câu chuyện về pháp lý của dự án vẫn là vấn đề khá đau đầu với những chủ đầu tư cũng như những nhà đầu tư có ý định ‘xuống tiền’ không chỉ ở TP Thủ Đức. Quỹ đất ở khu vực trung tâm đô thị hạn hẹp nên những dự án sở hữu vị trí đẹp sẽ tăng giá cao hơn so với trước đây là tất yếu.
Còn đối với các dự án nằm trong phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang (hạng A) hay bất động sản hàng hiệu cũng có một số yếu đố để đánh giá mức độ hiệu quả kinh doanh và đầu tư.
Ngoài giá bán thì vị trí dự án, chất lượng sản phẩm, uy tín của nhà phát triển bất động sản là những yếu tố mà nhà đầu tư và khách mua để ở rất quan tâm. Bên cạnh đó phương thức thanh toán phù hợp với mức độ chi trả của khách hàng. Nếu đạt được những điều kiện này thì sẽ được thị trường đón nhận rất nhanh.
Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, hiện nay, khu vực Thủ Đức liên tiếp xuất hiện các dự án căn hộ đắt tiền, giá hơn trăm triệu đồng mỗi m2 mà tốc độ thanh khoản vẫn nhanh bởi về cơ bản, nguồn cung không nhiều, nhưng người dân vẫn có khi nhu cầu về phân khúc này.
Theo ông Khương, sản phẩm nhà ở, căn hộ tại khu vực thành phố Thủ Đức ghi nhận mức giá cao hơn nhiều so với trước đây do nhiều yếu tố. Trước hết, việc thành lập “thành phố trong thành phố” đã thu hút mức độ đầu tư, ngân sách vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, giao thông gia tăng.
Cùng đó, nguồn cung căn hộ ở TP Hồ Chí Minh nói chung và Thủ Đức nói riêng rất hạn chế. Bên cạnh đó, khu vực gần với khu vực trung tâm Quận 1, có Quận 2 (cũ) là Phú Nhuận và Bình Thạnh cùng với Quận 3. Tuy nhiên, quỹ đất tại những khu vực này ngày càng hạn hẹp. Trong khi đó, khu vực Quận 9 (cũ) và Thủ Đức nằm ở vị trí “sát sườn” với Quận 1 và Quận 3 nên hưởng lợi về những kỳ vọng này.