Chuyện thật như đùa: Cầm sổ hồng trên tay nhưng vẫn bị lừa

Xã hội càng phát triển, kỹ xảo công nghệ dần trở nên tối tân, hiện đại dẫn đến việc làm giả giấy tờ, con dấu hay thậm chí là các hồ sơ pháp lý luôn diễn ra nhan nhản mỗi ngày. Các dự án “ma”, sổ hồng giả không còn là chủ đề xa lạ. Người dân đã biết cảnh giác hơn, nhưng với thủ thuật càng ngày càng tinh xảo, không ít cá nhân hay thậm chí là các tổ chức đều đứng trước nguy cơ “mất trắng” vì sập bẫy.

Chuyện thật như đùa: Cầm sổ hồng trên tay nhưng vẫn bị lừa - Ảnh 1

Cầm chắc sổ hồng trên tay, vẫn bị lừa “mất trắng”

Đối với người chưa có kinh nghiệm hay mới bắt đầu bước con đường đầu tư, việc “sập bẫy” lừa đảo khi mua bán nhà đất là chuyện không hiếm gặp, thậm chí là diễn ra mỗi ngày. Với lối hành động và xử lý tinh vi, nhiều vụ việc lừa đảo khiến nạn nhân không biết cầu cứu ở đâu vì giao dịch đã diễn ra không để lại bất kỳ thông tin có lợi nào cho điều tra.

Trường hợp mua nhà với sổ hồng trên tay, chị T. nhận ra mình mất trắng tiền ngay cả khi đã công chứng hợp đồng mua bán nhà với chủ nhà tại Bình Dương. Mặc dù chị đã thấy có sổ hồng đầy đủ, giá bán phù hợp, chị nhanh chóng đặt cọc trước 300 triệu đồng cho chủ nhà. Tại phòng công chứng, hợp đồng mua bán chính thức hoàn tất, chị T. lại trực tiếp thanh toán cho Thắng (chủ nhà) tổng số tiền còn lại mà không làm giấy biên nhận giao tiền.

Cầm chắc trên tay hợp đồng ngỡ rằng đã trở thành chủ sở hữu mới của ngôi nhà, chị quyết định làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, chị đã không thể tin được rằng mình đã bị lừa với thủ đoạn quá tinh vi, vì tại Văn phòng đăng ký đất đai cho biết đây là sổ hồng đã được làm giả. Ngay sau đó chị T. đã trình báo với cơ quan công an để tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng đã nhiều tháng trôi qua chị vẫn chưa thể lấy lại được số tiền đã mất oan.

Hay trường hợp chị N. đã mua lô 300 m2 đất trồng cây lâu năm, có sẵn sổ hồng tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng giá 900 triệu. Trong hợp đồng, chủ đầu tư cam kết sẽ công chứng sang tên và lên thổ cư trong vòng 3 tháng kể từ khi ký hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, cho đến nay hơn nửa năm, chị đã thanh toán 98% giá trị lô đất, nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng sổ thổ cư đâu, đất thì không được phép xây dựng, chủ đầu tư thì cứ hứa hẹn. Đặc biệt gần đây chủ đầu tư còn “lặn mất tăm” khiến chị N. không biết khóc cùng ai.

Ngoài những trường hợp như chị T., chị N. thì còn vô vàn trường hợp tương tự khác, người mua dẫu có cầm sổ trên tay cũng có nguy cơ mất trắng. Nếu có kiện tụng ra tòa thì người mua cũng mất thêm nhiều thời gian lẫn tiền bạc.

Trên thực tế, sau khi tòa phân xử, người mua cũng chỉ giành lại được một ít tiền, thậm chí có trường hợp không lấy lại được tiền vì thiếu cơ sở pháp lý. Đơn giản vì bên bán đã “chơi chữ” bất lợi cho người mua trong các văn bản giao kết.

Thủ đoạn làm giả sổ hồng tinh vi của kẻ gian  
Thủ đoạn làm giả sổ hồng tinh vi của kẻ gian  

Lời khuyên để tránh rơi vào “bẫy”

Chúng ta cần xác định nguyên nhân của các vụ việc lừa đảo này và điểm yếu của những “tay mơ”, những người thiếu kinh nghiệm và hiểu biết sâu về cách thức mua bán nhà đất. Để từ đó khắc phục nhằm hạn chế tối đa việc rơi vào bẫy và mất tiền oan.

Theo đó, để tránh bị lừa tiền do không rõ ràng về mặt hồ sơ pháp lý, người mua nên yêu cầu đến các cơ quan có thẩm quyền để định danh và xác thực hiện trạng nhà đất, đối chiếu giấy tờ rồi mới tiến hành giao dịch mua bán. Với bước này, người mua có thể chắc chắn về tính minh bạch của bất động sản mình sắp sở hữu, tránh tình trạng thửa đất hay căn nhà đó đang nằm trong diện quy hoạch hay liên quan đến sự việc tranh chấp tài sản.

Còn trường hợp mua nhà đất dự án, người mua cần nắm được vị trí khu đất, tờ bản đồ, số thửa theo hồ sơ pháp lý đã xem, hay quy hoạch 1/500 đối chiếu thông tin bằng cách xác minh tại UBND phường hay xã của khu vực đó để chắc chắn rằng đó không phải dự án ma không?

Kim Yến

Theo Kinh doanh & Phát triển