Công bố dự án thế chấp ngân hàng, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM lên tiếng

TNNĐ-Thông tin này được ông Phạm Ngọc Liên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đại TP.HCM, cho biết tại buổi họp báo của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM về vụ việc công bố danh sách 77 dự án BĐS thế chấp ngân hàng vừa qua.

 

Công bố dự án thế chấp ngân hàng, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM lên tiếng - Ảnh 1

Ảnh minh họa

 

Chiều tối 29/7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM đã chính thức tổ chức cuộc họp báo nhằm công bố thông tin một cách đa chiều hơn về những phản hồi từ các bên liên quan đến danh sách 77 dự án nhà ở trên địa bàn do đơn vị này vừa mới công bố.

Theo đó, dựa trên cơ sở dữ liệu do Sở này thu thập, và một phần danh sách hơn 30 dự án do Sở Xây dựng cung cấp, Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TNMT đã công bố theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia xác định thông tin cần cung cấp

"Nếu cung cấp thật đầy đủ, có phân loại từng loại hình thế chấp, chúng tôi tìm trong các hợp đồng thế chấp thì không có thông tin phản ánh như các doanh nghiệp yêu cầu. Qua đó, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để xác định được thông tin nào cần cung cấp, loại nào phải bảo đảm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đợt công bố thông tin dự án có thế chấp tại ngân hàng đợt 2 sắp tới, chúng tôi sẽ dựa vào những thông tin từ phía NHNN để phân loại một cách chuẩn xác hơn", Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM nói.

Đặc biệt, Sở TNMT và Tổ công tác rà soát các dự án nhà ở trên địa bàn sẽ báo cáo UBND thành phố về thời gian công bố định kỳ (khoảng 2-3 tháng/ lần). Tổ công tác đặc biệt này được thành lập theo chỉ đạo của UBND thành phố nhằm tiến hành rà soát toàn bộ những dự án BĐS đã và đang triển khai, những dự án đã bàn giao cho cư dân và ngay cả dự án đang vướng nhiều vấn đề pháp lý.

"Việc cung cấp thông tin này dẫn đến nhiều dư luận, chúng tôi trước hết lắng nghe các cơ quan báo chí để đút kết kinh nghiệm, đưa thông tin đi vào chiều sâu nhằm giúp cho các bên hài hòa. Hiện nay việc cung cấp thông tin có 2 loại: trên web của cơ quan này và cung cấp trực tiếp khi cá nhân có yêu cầu", ông Liên nói thêm.

Cũng trong buổi họp báo, ông Liên cho rằng để tránh xảy ra thêm những sự việc như ở chung cư The Harmona vừa qua, thực hiện quản lý chặt về mặt nhà nước đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo rà soát và tập trung xử lý các dự án đã thế chấp ngân hàng có nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà...

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã công bố lần đầu danh sách các dự án nhà ở có thế chấp tại các ngân hàng thương mại.

 

Công bố dự án thế chấp ngân hàng, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM lên tiếng - Ảnh 2>>> Thế chấp dự án: TP.HCM minh bạch, Hà Nội kêu nhạy cảm

TNNĐ-Trong khi, TPHCM công khai toàn bộ danh sách các dự án BĐS đang thế chấp Ngân hàng, thì Hà Nội lo lắng vì nhạy cảm.

 

Dự án BĐS thế chấp ở ngân hàng là bình thường

"Trong quá trình đầu tư dự án, chủ đầu tư nào cũng cần huy động vốn, thu tiền của người mua trước khi giao nhà. Chính vì vậy mới có con số 77, chứ thật ra hơn 500 dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM đang trong quá trình đầu tư đều phải liên kết với ngân hàng thương mại. Chuyện một hay nhiều dự án thế chấp ngân hàng là hết sức bình thường", ông Liên nói.

Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 147 Luật Nhà ở 2014: Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó, thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng.

Việc xác định nhà ở đã được giải chấp với khách hàng được nêu rõ trong văn bản thông báo “nhà ở đủ điều kiện được bán” của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó.

Tuy nhiên, theo ông Liên, có hai vấn đề đặt ra qua sự việc này! Thứ nhất: đối với dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở chung cư), thì pháp luật quy định khi bán nhà cho khách hàng chủ đầu tư phải giải chấp tài sản là chính căn hộ này khỏi ngân hàng nhằm chống xảy ra chuyện một căn hộ đem thế chấp hai lần.

Do vậy, người mua nhà vẫn yên tâm vì căn hộ mình mua sẽ không bị cầm cố lần thứ 2, nếu như chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ quy trình giải chấp.

Thứ hai là nhìn qua danh sách này, việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ đầu tiên dễ dàng hơn, vì chủ đầu tư phải tiến hành giảm trừ số căn hộ đã được giải chấp trên giấy chứng nhận của cả dự án.

 

Quan cảnh buổi họp báo với rất nhiều cơ quan báo chí tại TP.HCM



Ông Liên cũng cho biết thêm Văn phòng đăng ký đất đai khi cung cấp thông tin với mong muốn đáp ứng các yêu cầu của các bên, nhưng hiện nay đơn vị này chỉ cung cấp dựa vào những gì mình có.

Theo đó, Văn phòng dựa vào đơn đăng ký thế chấp; hợp đồng thế chấp; sổ ghi nhận thế chấp của các dự án và đã thể hiện trên danh sách. Những tài liệu này khá đơn giản, gồm tài sản thế chấp ở đâu, thông tin liên quan đến chủ đầu tư...

Khi một số cơ quan báo chí đặt vấn đề vì sao nhiều chủ đầu tư phản ánh là họ không đầu tư dự án nào nhưng vẫn bị "bêu" tên trong danh sách (dự án Saigon Pearl tại Bình Thạnh), hoặc có trường hợp không thế chấp nhưng vẫn có tên (các dự án của Phú Mỹ Hưng)..., ông Liên cho biết sẽ làm việc với từng chủ đầu tư để xem xét lại thông tin và có công bố đầy đủ trong thời gian tới.

Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được bán nhà khi đã có thông báo của Sở Xây dựng về việc dự án đủ điều kiện. Theo đó phải giải chấp với NH mới được huy động vốn từ người mua nhà.

Chính vì vậy, người mua nhà nên chịu khó tìm hiểu thông tin trước khi quyết định mua nhà ở một dự án nào đó. Nếu dự án được công bố đang thế chấp ngân hàng thì yêu cầu chủ đầu tư đưa văn bản xóa thế chấp của toàn dự án hoặc xóa thế chấp đối với căn hộ mình dự định mua, hoặc cung cấp chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.

Cũng có nhiều trường hợp chủ đầu tư và khách hàng có thể thỏa thuận về thời điểm phải xóa thế chấp, thí dụ như khách hàng đóng 30% giá trị căn hộ chủ đầu tư phải có văn bản xóa thế chấp cho căn hộ.

Luật sư Phạm Văn Minh, Công ty Luật Hợp danh Minh Lawyers

 

Theo Đăng Khải
Báo Trí thức trẻ