Cuối năm, doanh nghiệp thoái vốn dồn dập

Thời điểm cuối năm, hàng loạt doanh nghiệp thi nhau thoái vốn như: Nutifood thoái sạch hơn 77% vốn tại Cà phê Phước An; SCIC thoái vốn tại Du lịch Lâm Đồng;...

 

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Nutifood thoái sạch vốn tại Cà phê Phước An

CTCP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood thông báo đã bán thành công toàn bộ gần 18,27 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 77,31% vốn tại CTCP Cà phê Phước An (mã: CPA).

Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2022 đến 19/1/2023, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, chỉ ngay sau 1 ngày đăng ký giao dịch, Nutifood đã thoái thành công toàn bộ vốn tại CPA.

Tại phiên 28/12, CPA ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng đúng bằng khối lượng giao dịch của Nutifood. Giá trị giao dịch hơn 232 tỷ đồng, tương ứng 12.700 đồng/cp. Phiên này, cổ phiếu CPA đóng cửa ở mức 11.200 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, bà Tôn Thị Bích Vân, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng và Nguyễn Trần Xuân Mai đều hoàn tất việc mua vào mỗi người gần 5,9 triệu cp CPA. Qua đó trở thành cổ đông lớn tại đây từ ngày 28/12/2022 với tỷ lệ sở hữu mỗi người là 24,9%.

Như vậy, các cá nhân này đã mua vào tổng cộng gần 17,7 triệu cp CPA, chiếm 74,7% vốn điều lệ. Trong số 3 cổ đông trên, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Phát triển Đất Thắng và Công ty TNHH Suất ăn Vina.

Về mối liên hệ, ông Lê Nguyên Hòa là Chủ tịch HĐQT CPA và cũng là Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood.

Cà phê Phước An (CPA) tiến hành cổ phần hóa vào cuối năm 2017 và đây cũng là thời điểm Nutifood tham gia đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, sau giai đoạn cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn. Dù được Nutifood rót thêm trăm tỷ đồng vốn nhưng CPA vẫn chìm trong thua lỗ. Tính tới ngày 30/09/2022, CPA lỗ lũy kế gần 153 tỷ đồng.

Bảo hiểm Hùng Vương thoái hết 9,12% vốn tại CCI

Tổng CTCP Bảo hiểm Hùng Vương đã thoái hết 1,6 triệu cp, tương đương 9,12% vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (HOSE: CCI) để cơ cấu danh mục đầu tư.

Chiếu theo giá đóng cửa CCI phiên giao dịch 30/12/2022 là 28.500 đồng/cp, tăng 77% trong gần 2 năm qua, ước tính Bảo hiểm Hùng Vương có thể thu về gần 46 tỷ đồng sau khi không còn là cổ đông lớn của CCI.

SCIC thoái vốn tại Du lịch Lâm Đồng

Theo thông báo từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities) – chi nhánh Đà Nẵng, đợt chào bán cạnh tranh cổ phần CTCP Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist) đã diễn ra thành công với tổng giá trị cổ phần bán được ở mức gần 139 tỷ đồng.

Lô cổ phần được thực hiện chào bán cạnh tranh của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có giá khởi điểm gần 139 tỷ đồng/lô cổ phần với số lượng cổ phần chào bán là hơn 4,6 triệu cổ phần. Số lượng cổ phần chào bán tương ứng với 100% vốn đầu tư của SCIC tại Dalattourist và 11,71% vốn điều lệ của công ty.

Trong đợt đấu giá, có hai nhà đầu tư tham gia đợt chào bán cổ phần bao gồm một nhà đầu tư cá nhân và một nhà đầu tư tổ chức. Tổng khối lượng nhà đầu tư đặt mua là hơn 9,2 triệu cổ phần.

Kết quả, giá đấu thành công bình quân là hơn 138.7 tỷ đồng/lô cổ phần với tổng số lượng cổ phần bán được là hơn 4,6 triệu cổ phần cho một nhà đầu tư. Mức chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá trúng thầu là 1 triệu đồng.

Như vậy sau 2 lần đấu giá công khai toàn bộ cổ phần tại Dalattourist bất thành, thì SCIC đã thành công thoái vốn trong lần thứ 3 và thu về gần 139 tỷ đồng.

Gelex Electric (GEE) muốn nắm toàn bộ vốn của Cadivi và Thibidi

Ngày 3/1, CTCP Điện lực Gelex (Gelex Electric, mã GEE) thông báo chào mua công khai cổ phiếu CAV và THI của CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã: CAV) và CTCP Thiết bị Điện (Thibidi, mã THI).

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 9/1 đến ngày 28/2/2023, GEE sẽ chào mua công khai hơn 2,1 triệu cổ phiếu CAV với giá chào mua dự kiến là 55.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng sở hữu từ 96,5% lên 100%.

Còn tại THI, GEE sẽ mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu với giá chào mua là 25.500 đồng/cổ phiếu, mục tiêu gia tăng sở hữu từ 90,88% lên 100%.Hiện, các mức giá chào mua trên đều cao hơn thị giá của CAV và THI trên thị trường.

Như vậy để hoàn tất đợt chào mua hai cổ phiếu trên, tổng số tiền mà GEE dự kiến phải chi ra là hơn 231 tỷ đồng. Nguồn tiền này GEE dự kiến sử dụng từ vốn tự có và nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện chào mua công khai.

DLG thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty liên kết

Vừa qua, HĐQT CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) thông qua việc cấu trúc lại khoản đầu tư góp vốn tại các công ty liên kết.

Cụ thể, DLG sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại CTCP Đức Long Tây Nguyên và CTCP DLG CY Việt Nam.

HĐQT ủy quyền cho Tổng Giám đốc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục thoái vốn tại 2 công ty liên kết nói trên theo quy định của pháp luật.

Theo BCTC quý 3/2022, DLG ghi nhận tỷ lệ góp vốn tại 2 công ty liên kết CTCP Đức Long Tây Nguyên và CTCP DLG CY Việt Nam đều là 40%. Tuy nhiên, DLG cho biết tính đến ngày 30/09/2022, DLG vẫn chưa góp vốn vào 2 công ty liên kết này nên Tập đoàn không hợp nhất theo phương thức vốn chủ sở hữu.

Đầu tư HVA bán toàn bộ hơn 11% vốn tại BIG

CTCP Đầu tư HVA thông báo đã bán xong toàn bộ 580.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,6% vốn tại CTCP Big Invest Group (mã BIG). Qua đó, Đầu tư HVA không còn nắm giữ cổ phiếu BIG nào và không còn là cổ đông lớn của Big Invest Group. Giao dịch được thực hiện trong ngày 30/12/2022.

Trước đó, ngày 29/12/2022, Đầu tư HVA cũng bán thành công 20.000 cổ phiếu BIG. Tổng cộng 2 phiên giao dịch, Đầu tư HVA đã bán toàn bộ 600.000 cổ phiếu BIG theo phương thức thỏa thuận, thu về 6 tỷ đồng.

Đáng chú ý là lượng cổ phiếu này mới được Đầu tư HVA mua vào cách đấy hơn 1 tháng trong phiên giao dịch ngày 25/11/2022 và cũng được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với tổng giá trị là 6 tỷ đồng. Trước đó, tổ chức này không nắm giữ cổ phiếu BIG nào.

Như vậy, sau hơn 1 tháng nắm giữ cổ phiếu BIG, CTCP Đầu tư HVA đã thực hiện thoái vốn khỏi Big Invest Group.

Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp muốn thoái vốn vào dịp cuối năm như Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex, mã: VOC) đã thông qua phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Calofic; Quỹ đầu tư Cơ hội PVI (POF) thoái hơn 7% vốn tại CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC); CTCP SAM HOLDINGS (SAM) muốn bán sạch hơn 3,7 triệu cổ phiếu tại CTCP DNP Holding (DNP) với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư; Tập đoàn KIDO (KDC) thoái vốn khỏi Chuk Tea & Coffee (tiền thân là Chuk Chuk);…

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ